Đón tháng 4 với những tín hiệu tích cực, giới đầu tư phấn khởi xuống tiền
Phố Wall đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (1/4) nhờ những dữ liệu kinh tế tích cực.
Chứng khoán Mỹ chào đón tháng 4 với những dữ liệu sản xuất mạnh mẽ cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhanh nhất trong vài chục năm qua.
Số liệu từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh lực sản xuất của Mỹ tăng lên mức 64,7 điểm trong tháng 3, từ mức 60,8 điểm trong tháng trước đó. Đây cũng là mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1983.
Theo sau dữ liệu của ISM, IHS Markit cũng công bố báo cáo cho thấy, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ do công ty này nghiên cứu cũng tăng trong tháng 3, lên 58,1 điểm từ mức 58,6 điểm trong tháng 2.
Trên thị trường lao động, Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Ba báo cáo, số người Mỹ nộp đơn xin thất nghiệp lần đầu đã tăng 61.000 lên 719.000 trong tuần kết thúc vào ngày 27/3, cao hơn mức 675.000 được dự báo bởi các chuyên gia. Dù vậy, các nhà đầu tư đang lạc quan và háo hức chờ đợi báo cáo việc làm tháng 3 sẽ được công bố vào thứ Sáu.
VIX, chỉ số đo lường trạng thái biến động của thị trường, lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 18 điểm trong phiên đêm qua, lần đầu tiên sau 14 tháng. Lần cuối chỉ số này thấp hơn 18 điểm là trước cuộc khủng hoảng thị trường tài chính toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra vào tháng 3/2020.
Thị trường đang có phản ứng tích cực với kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Kế hoạch này bao gồm chi tiêu cho đường xá, giao thông công cộng, năng lượng xanh và nâng cấp hệ thống nước. Kế hoạch sẽ được thực hiện trong 8 năm và sẽ tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28% để tài trợ.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 7 điểm cơ sở xuống mức 1,68% phiên ngày thứ Tư, sau khi chạm đỉnh 14 tháng vào tuần trước.
Đóng cửa phiên mở đầu tháng 4, S&P 500 lần đầu tiên tăng lên trên mức 4.000 điểm. Với kỷ lục mới nhất, S&P 500 đã tăng khoảng 7% vào năm 2021 và đã tăng 80% kể từ mức đáy vào tháng 3/2020.
Chứng khoán Mỹ sẽ nghỉ giao dịch ngày 2/4, ngày thứ Sáu Tuần Thánh.
Chứng khoán châu Âu khởi đầu quý mới với một phiên khởi sắc vào thứ Năm khi thị trường lạc quan về kế hoạch chi tiêu mới cho cơ sở hạ tầng của chính phủ Mỹ và dữ liệu hoạt động sản xuất mạnh mẽ của khu vực đồng euro cũng như tại châu Á làm lu mờ lo ngại về đợt đóng cửa mới nhất ở Pháp.
Hoạt động sản xuất tháng 3/2021 của eurozone đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 24 năm. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone do IHS Markit nghiên cứu đã tăng lên mức 62,5 trong tháng 3, từ với mức 57,9 trong tháng 2, và là mức cao nhất kể từ khi khảo sát được tiến hành vào tháng 6/1997.
Chứng khoán châu Á cũng được bao trùm bởi sắc xanh trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng trong phiên đầu tiên của năm tài chính mới khi các nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu của các công ty liên quan đến chất bán dẫn với kỳ vọng thu nhập doanh nghiệp tăng trưởng.
Chứng khoán Trung Quốc đi lên, dẫn đầu là cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe.
Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, sau khi nhóm cùng ngành trên phố Wall đêm qua nhảy vọt.
Chứng khoán Hàn Quốc được hỗ trợ nhờ đà đi lên của nhóm cổ phiếu lớn và lực mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài.
Giá vàng kéo dài đà tăng mạnh sang phiên giao dịch ngày thứ Năm. Thị trường đi lên nhờ sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu.
Giá dầu tăng vọt vào thứ Năm bất chấp OPEC+ đạt được thỏa thuận giảm dần việc cắt giảm sản lượng, bắt đầu từ tháng 5.
Sau cuộc họp ngày 1/4, OPEC+ đã nhất trí nâng sản lượng 350.000 thùng/ngày (bpd) vào tháng 5, thêm 350.000 thùng/ngày nữa vào tháng 6 và thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 7.
Theo thỏa thuận này, mức cắt giảm do OPEC + thực hiện trong tháng 5 sẽ ở mức hơn 6,5 triệu thùng/ngày, so với mức dưới 7 triệu thùng/ngày trong tháng 4.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết trong cuộc họp rằng ông dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 5-5,5 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận