“Đón sóng” từ các FTA - Bán lẻ gia tăng nội lực
Cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp (DN) phân phối trong nước. Do đó, các nhà bán lẻ nội địa đã và đang củng cố nội lực để thích ứng với h
Thích ứng trong bối cảnh mới
Các chuyên gia đánh giá, cùng với các cơ hội, khi Hiệp định EVFTA thực thi, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các DN lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam. Ngoài ra, cam kết dỡ bỏ quy định Tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) nếu như trước đây được xem là một công cụ vô cùng hữu ích, là hàng rào kỹ thuật để hạn chế các nhà bán lẻ nước ngoài đầu tư nhằm hỗ trợ cho ngành bán lẻ trong nước thì nay ENT không còn khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
Theo ông Phạm Bình An - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh - các DN phân phối trong nước sẽ chịu áp lực gia tăng cạnh tranh, các DN trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các DN phân phối đến từ EU nên có khả năng dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần. Thực tế hiện nay, năng lực và sức cạnh tranh của các DN Việt Nam còn yếu, khả năng hấp thụ công nghệ còn hạn chế, thường gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thích ứng với làn sóng hội nhập, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh - ông Phạm Ngọc Hưng - cho hay: Các DN bán lẻ cần nghiên cứu kỹ các nội dung, quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA. Thúc đẩy liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước, khu vực, toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của DN trên phân phối.
Củng cố nội lực qua M&A và số hóa
Thực tế đến nay, không chỉ các DN phân phối mới chú trọng đến việc củng cố nội lực để vượt qua những thách thức từ hội nhập mà từ trước đó rất nhiều DN lớn như Saigon Co.op, Masan hay Satra… đều đã chủ động trước.
Đơn cử nhà bán lẻ Saigon Co.op đã từng bước mở rộng thêm các điểm bán và tới nay đã có hơn 800 điểm bán trên khắp cả nước. Đặc biệt, để phù hợp với xu thế mới, Saigon Co.op đã tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả phương thức bán offline và online; đồng thời hợp tác với các đối tác để đưa số hóa vào bán lẻ. Cụ thể là việc hợp tác với ví điện tử MoMo để đưa thêm phương thức thanh toán mới, thuận tiện hơn cho khách hàng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Saigon Co.op, có 2 cách để các đơn vị bán lẻ phát triển gồm tự phát triển ra mô hình của chính mình và sở hữu làm chủ mô hình này, rồi sau đó vươn lên theo thời gian (với cách này Saigon Co.op đang phát triển được gần 10 mô hình bán lẻ từ trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị cho tới các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh…). Cách thứ hai là phát triển theo hình thức mua bán sáp nhập và Saigon đã thực hiện tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh và nhân sự của 18 siêu thị Auchan Việt Nam. Đây là những bước đi vững chắc để Saigon Co.op đứng vững trong hội nhập.
Cũng như Saigon Co.op, Masan đã bước chân vào lĩnh vực bán lẻ bằng việc thiết lập nền tảng hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp thông qua hoàn tất sáp nhập Masan Consumer Holding và VinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart/VinMart+) để thành lập tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Theo chia sẻ của đại diện Masan với phóng viên Báo Công Thương, trong năm 2020, Masan tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có của VinCommerce, đồng thời có những chiến lược phát triển để tối ưu hóa chuỗi bán lẻ này. Cụ thể, mở mới các siêu thị và cửa hàng tại nội thành Hà Nội để củng cố thị phần, sẽ chọn lọc mở mới tại ngoại thành để thúc đẩy lợi nhuận. Đồng thời, phát triển mô hình đã thành công ở ngoại thành Hà Nội bằng việc địa phương hóa danh mục sản phẩm để phù hợp với sở thích của người tiêu dùng. Masan sẽ gia tăng danh mục sản phẩm tươi sống từ 30% lên 35% thông qua VinEco và MEATDeli, qua đó khẳng định giá trị sản phẩm - tươi ngon và chất lượng, thu hút khách hàng.
Ông Trương Công Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) - chia sẻ: Chiến lược của Masan Consumer Holding năm 2020-2030 là sở hữu các chuỗi bán lẻ hiện đại, hùng mạnh tại Việt Nam. Vì vậy, sở hữu VinMart, VinMart+ một bước đi then chốt trong chiến lược đó. Vinmart, Vinmart+ là ngọn cờ sáng nhất trong lĩnh vực bán lẻ trên thị trường Việt Nam hiện tại.
Ngoài hai nhà bán lẻ trên, thị trường bán lẻ Việt Nam còn ghi nhận sự lớn mạnh của nhiều nhà bán lẻ trong nước khác như hệ thống bán lẻ Bách hóa Xanh của Thế giới di động (gần 500 cửa hàng); hệ thống bán lẻ thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) với trên 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Foods, trung tâm thương mại Satra, siêu thị Tax…
Theo các chuyên gia, bên cạnh sự chủ động củng cố nội lực, nhà bán lẻ cần cải thiện nguồn hàng bằng cách tận dụng nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam được giảm mức thuế nhập khẩu xuống mức 0% ngay khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực thi hành. Điều này không chỉ giúp các DN bán lẻ giảm chi phí đầu vào, mà còn có cơ hội cân bằng và tiếp cận các thị trường cung ứng nguồn hàng thay thế. Sự cân bằng lại nguồn hàng cung ứng sẽ giúp các nhà bán lẻ giảm thiểu tỷ lệ rủi ro, tập trung vào những nhà cung ứng nhất định có nguồn hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao để kéo người tiêu dùng về phía mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận