Dọn sạch cổ phiếu rác, xử lý nghiêm 'đội lái' trục lợi
Các đại biểu Quốc hội đề nghị, luật Chứng khoán sửa đổi phải đưa ra các quy định, chế tài thật cứng rắn, chặt chẽ để xử lý nghiêm những kẻ đầu cơ trục lợi...
Thảo luận luật Chứng khoán sửa đổi chiều 13.6, các đại biểu Quốc hội đề nghị, luật phải đưa ra các quy định, chế tài thật cứng rắn, chặt chẽ để xử lý nghiêm những kẻ đầu cơ trục lợi; dùng “đội lái” (những người chuyên làm giá cổ phiếu) thao túng giá cổ phiếu, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
“Nhiều cổ phiếu chia cổ tức toàn giấy”
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho biết, hiện nay trên sàn chứng khoán có hàng trăm cổ phiếu niêm yết của doanh nghiệp (DN) làm ăn, kinh doanh bết bát nhưng lại liên tục phát hành thêm cổ phiếu làm nhà đầu tư mất niềm tin. Một loạt cổ phiếu penny (thị giá nhỏ) giá không bằng cốc trà đá. “Những cổ phiếu này giá tăng trần liên tục, không rõ lý do, chủ DN lướt sóng. Nhà đầu tư mua bao nhiêu cũng không có quyền lợi gì, cổ tức chia toàn giấy. Phải có cuộc cải tổ toàn diện trên sàn chứng khoán, loại bỏ những cổ phiếu này ra khỏi sân chơi để bảo vệ nhà đầu tư”, ĐB Thường đề nghị.
Vẫn theo ĐB Nguyễn Phi Thường, dù Ủy ban Chứng khoán có giám sát, thanh tra nhưng hiện còn rất nhiều cổ phiếu rác. Nhiều DN lợi dụng việc lên sàn để trục lợi, đưa ra kịch bản bán cổ phiếu cho 100 cổ đông để đáp ứng đủ tiêu chí của công ty đại chúng, làm đẹp báo cáo tài chính, thuê tư vấn, chào sàn cho “đội lái” vào giao dịch mua - bán sôi động ở mức giá cao. Sau đó, “đội lái” biến mất, thanh khoản mất hút làm mất tiền bạc của nhà đầu tư. “Luật Chứng khoán phải sửa đổi, sửa thông lệ quốc tế về tư vấn phát hành, kiểm toán... Đặc biệt đảm bảo nội dung, tính chính xác, trung thực của bản cáo bạch”, ĐB Thường đề xuất thêm.
Đồng tình với quan điểm này, theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), sau 18 năm đi vào hoạt động, đến nay quy mô thị trường chứng khoán tăng đáng kể. Từ 2 cổ phiếu đã tăng lên hơn 1.500 cổ phiếu, vốn hóa ở mức 20% GDP năm 2006 hiện tại bằng gần 80% GDP. “Song tình trạng làm giá, lũng đoạn vẫn còn rất nghiêm trọng. Hành vi thao túng này ai là người chịu trách nhiệm, điều khoản luật phải có quy định, dành khoản mục chương liên quan bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư chứng khoán”, ĐB Ngân lên tiếng.
ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cũng cho rằng, luật cần phải có những quy định để bảo vệ các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Theo đó, các tổ chức tư vấn, tổ chức đầu tư và nhân viên của các tổ chức này không được tham gia các hành vi: Làm đại lý tham gia đầu tư chứng khoán, thông đồng với khách hàng chia sẻ thu nhập đầu tư chứng khoán. Giao dịch với tổ chức tư vấn, cung cấp phổ biến thông tin sai lệch. Nếu có hành vi nào trên đây gây thiệt hại cho nhà đầu tư phải đền bù theo luật.
Không đồng ý giao Chính phủ quyết định danh mục đầu tư công
Trước đó, sáng 13.6, 439/450 ĐB có mặt, chiếm 90,7% tổng số ĐB đã tán thành thông qua luật Đầu tư công sửa đổi. Trong dự thảo luật được thông qua, đề xuất Quốc hội (QH) giao thẩm quyền quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Chính phủ đã không nhận được sự đồng tình của các ĐBQH để đưa vào luật. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, theo kết quả lấy ý kiến ĐBQH ngày 3.6, không có phương án nào trong 2 phương án được đưa ra (giao cho Chính phủ hoặc giao cho UBTVQH) nhận được trên 50% ĐBQH lựa chọn. Do đó, UBTVQH đề nghị QH cho giữ như quy định hiện hành.
Một đề xuất khác của Chính phủ là nâng tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỉ thay vì 10.000 tỉ đồng như hiện hành cũng không được đưa vào dự thảo luật vừa được thông qua. Ngoài ra, một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định để đưa Tập đoàn dầu khí VN (PVN), Tập đoàn điện lực VN (EVN), Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel vào đối tượng đầu tư công cũng không nhận được sự đồng tình của UBTVQH.
Cũng trong sáng 13.6, QH đã biểu quyết thông qua luật Quản lý thuế sửa đổi với 91,32% tổng số ĐBQH tán thành. Một trong những điểm mới của luật là quy định thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Theo đó, dự luật vừa thông qua quy định, đối với các khoản nợ thuế của DN đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi, thì giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa các khoản nợ dưới 5 tỉ đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được giao thẩm quyền quyết định xóa các khoản nợ thuế từ 5 - 10 tỉ đồng.
Đối với các khoản nợ từ 10 - 15 tỉ đồng, luật quy định giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ; với các khoản nợ trên 15 tỉ đồng thì Thủ tướng sẽ quyết định xóa nợ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận