Đón kết quả kinh doanh quý 1 ảm đạm, cổ phiếu dệt may vẫn tăng
Đa số doanh nghiệp dệt may bị giảm doanh thu, lợi nhuận trong quý 1/2020 nhưng giá cổ phiếu lại tăng. Tuy nhiên, sự tăng giá này chưa chắc bền vững khi dự báo nhu cầu dệt may toàn cầu thời gian tới có nguy cơ sụt giảm mạnh và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đều sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đa số doanh nghiệp giảm doanh thu, lợi nhuận
Kết thúc quý 1, đa số doanh nghiệp dệt may bị giảm doanh thu và lợi nhuận, có doanh nghiệp thậm chí lỗ. Chỉ vài doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng so cùng kỳ năm trước là Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL), Mirae (HOSE: KMR) và Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK).
LNST của STK chỉ tăng nhẹ 0.27% so cùng kỳ, dù doanh thu tăng gần 12 tỷ đồng - gần 2% - do sản lượng bán ra tăng. Theo Công ty Chứng Khoán FPT (FPTS), STK không bị thiếu nguyên liệu sản xuất do dịch Covid-19; 60% doanh thu của STK đến từ thị trường nội địa, 40% là xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và các thị trường khác nên có thể hạn chế được rủi ro từ thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, LNST của KMR tăng gần 3% so cùng kỳ do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm, mặc dù doanh thu giảm gần 13%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may quý 1/2020 đạt 7.03 tỷ USD, giảm 1.4% so cùng kỳ. Nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (gồm bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) nhập khẩu trong quý 1 đạt 5.09 tỷ USD, giảm 6.8% so cùng kỳ.
Các công ty chứng khoán có cùng nhận định lĩnh vực dệt may chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19. Giai đoạn đầu dịch bùng phát tại Trung Quốc, doanh nghiệp dệt may gặp khó ở khâu nguyên vật liệu đầu vào. Giai đoạn 2, dịch lan mạnh ra toàn thế giới, doanh nghiệp gặp khó ở nhu cầu, đơn hàng bị hoãn và ít hơn.
Cổ phiếu tăng mạnh sau giai đoạn giảm sâu
Sau giai đoạn giảm sâu trước lo sợ từ dịch Covid-19, giá nhiều cổ phiếu dệt may đã tăng đáng kể từ đầu tháng 4, thậm chí sau khi đón nhận kết quả kinh doanh quý 1 sụt giảm, đà tăng vẫn tiếp tục kéo dài cho đến nay (23/04).
Cổ phiếu Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) tăng mạnh gần 60%, thị giá từ 7,700 đồng/cp (ngày 01/04) lên 12,300 đồng/cp (chốt phiên 23/04).
Trong khoảng thời gian tăng giá này, TNG công bố kêt quả kinh doanh quý 1 với doanh thu giảm hơn 4%, LNST giảm gần 10% so cùng kỳ. Nguyên nhân do dịch Covid-19 khiến nguyên phụ liệu nhập khẩu bị chậm nên thời gian giao hàng dãn; trong khi chi phí đầu vào, chi phí lương vẫn duy trì thanh toán theo quy định và hợp đồng đã ký, dẫn đến các chỉ tiêu quý 1 không đạt như kỳ vọng.
Dù vậy, trong bối cảnh đại dịch bùng phát, TNG đã linh hoạt sản xuất khẩu trang kháng khuẩn phục vụ chống dịch nên doanh thu tiêu thụ nội địa quý 1 đạt 63.3 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ. Ngoài ra, TNG đã nghiên cứu, sản xuất thành công Bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch. Hiện, năng lực sản xuất của TNG đáp ứng được 100,000 bộ/ngày và mặt hàng này còn mở ra hướng xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Cổ phiếu CTCP X20 (HNX: X20) tăng gần 59%. Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ ngày 10/02, X20 đã nghiên cứu sản xuất vải kháng nước, kháng khuẩn, đưa 16 dây chuyền sản xuất khẩu trang vải kháng nước, kháng giọt bắn, kháng khuẩn vào hoạt động.
Từ đầu tháng đến ngày 23/04, cổ phiếu Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) tăng gần 29%. Trong quý 1, TCM ghi nhận doanh thu và LNST giảm lần lượt hơn 19% và 21% so cùng kỳ. TCM cho biết kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ năm trước một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hơn nữa, trong quý 1/2019, Công ty có khoản thu nhập khác khoảng 1 triệu USD (tương đương 23 tỷ đồng) từ việc giải thể công ty con Thành Quang.
Chia sẻ với truyền thông, Thành viên HĐQT TCM, ông Trần Như Tùng, cho biết để bù đắp cho việc giảm sút đơn hàng do dịch Covid-19, quý 2, Công ty tích cực đẩy mạnh phát triển đơn hàng khẩu trang xuất sang thị trường Mỹ và vải kháng khuẩn cho các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất khẩu trang. Dự kiến, doanh thu cho đơn hàng khẩu trang và vải kháng khuẩn khoảng 11 triệu USD, sẽ xuất vào tháng 4 và 5.
Có thể thấy, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp dệt may đã nắm bắt nhu cầu khẩu trang tăng mạnh, đẩy mạnh sản xuất vừa phục vụ trong nước vừa xuất khẩu, bù đắp cho sự giảm sút mạnh đơn hàng hiện hữu. Sự linh hoạt này đã góp phần giúp giá cổ phiếu tăng trở lại sau giai đoạn giảm sâu.
Nhu cầu có nguy cơ giảm mạnh
Ngày 25/03/2020, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra dự báo 30% số lao động của ngành dệt may sẽ thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% số lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 5/2020, tổng thiệt hại ước tính trên 5,000 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài thêm, ước tính ngành dệt may Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 3,000 tỷ đồng/tháng.
Theo đánh giá của FPTS, tính tới thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh đã bắt đầu được kiểm soát tại thị trường Trung Quốc, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp may và đầu ra cho các doanh nghiệp sợi đã dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh lại nghiêm trọng tại thị trường Mỹ và EU (hai thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn nhất thế giới). Do đó, nhu cầu dệt may toàn cầu thời gian tới có nguy cơ sụt giảm mạnh và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đều sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, mức độ ảnh hưởng chính xác tính đến thời điểm hiện tại rất khó dự báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận