Đón hơn 100 nghìn F0 'đẩy thuyền' mỗi tháng, thị trường chứng khoán tháng 10 sau nới giãn cách sẽ ra sao?
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký, trong tháng 9, số lượng tài khoản mở mới là 114.962 tài khoản, thấp hơn so với mức 120 nghìn tài khoản của tháng 8 nhưng vẫn là tháng thứ bảy liên tiếp đạt ngưỡng trên 100 nghìn tài khoản mở mới.
Trong đó, đa phần là tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước, số lượng tới 114.810 tài khoản mới, chiếm tới 99,87% tổng số lượng tài khoản mở mới. Tuy nhiên, so với tháng trước, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân giảm gần 5%.
Tương tự, số lượng mở mới tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước và cá nhân nước ngoài cũng giảm so với tháng trước, lần lượt là 97 và 121 tài khoản. Chỉ có số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài là tăng mạnh so với tháng trước, đạt 31 tài khoản, tăng 82%.
Lũy kế từ đầu năm, số lượng tài khoản mở mới đã là 960 nghìn tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên 3,7 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản mở mới trong tháng 9 tiếp tục duy trì ở mức cao cho thấy sự sôi động của thị trường chứng khoán trong nước.
Thị trường chứng khoán trong nước sôi động thời gian qua phần lớn nhờ sự “đẩy thuyền” của các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường (còn gọi là F0). Liệu việc có thêm những F0 mới gia nhập thị trường sẽ là động lực cho thị trường trong tháng 10 cũng như 3 tháng cuối năm nhất là khi khối ngoại tiếp tục bán ròng.
Tháng 9 vừa qua khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị là 8.368 tỷ đồng – là tháng bán ròng cao thứ 3 trong năm 2021. Tổng lượng bán ròng trong 9 tháng đầu năm lên tới hơn 40 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức bán ròng gần 6 nghìn tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn nhận về cơ hội từ thị trường chứng khoán tháng 10, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, điểm tích cực là dòng tiền vẫn duy trì tốt trên thị trường khi trú ẩn ở nhóm vốn hóa thấp và một số ngành dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3. Theo SSI, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý 3/2021 do tác động từ việc nhiều địa phương thực hiện giãn cách.
Trong khi triển vọng lợi nhuận các ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bia, ô tô, xe máy, dầu khí và ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều từ đợt giãn cách thì một số ngành lại được hưởng lợi từ giá hàng hóa đã có mức tăng mạnh kể từ đầu năm như sắt thép, đường, phân bón, hóa chất.
Ngoài ra, vận tải container và một số ngành liên quan đến xuất khẩu cũng dự kiến có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.
Chỉ số VN-Index vẫn đang trong giai đoạn giằng co và đi ngang trong ngưỡng 1.320 – 1.360 điểm. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, SSI cho rằng xu hướng đi ngang của chỉ số sẽ kết thúc khi xảy ra một trong hai kịch bản.
Thứ nhất, xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index sẽ được xác nhận khi chinh phục thành công ngưỡng kháng cự 1.360 điểm với khối lượng tích cực (tốt hơn mức bình quân 20 phiên). Khi đó, VN-Index có thể hướng tới các vùng mục tiêu tiếp theo nằm tại 1.380 – 1.388 điểm.
Thứ hai, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn sẽ quay trở lại với VN-Index nếu chỉ số kết thúc giai đoạn tích lũy bằng một "cây nến" giảm điểm, phá vỡ hỗ trợ 1.320 đi cùng thanh khoản gia tăng. Khi đó, chỉ số có thể tìm điểm cân bằng quanh vùng hỗ trợ 1.300 – 1.285 điểm trước khi hồi phục trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận