24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đón dòng vốn đầu tư và cam kết của Chính phủ

Việt Nam đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Chính phủ đã cam kết sẽ “tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất”, minh bạch và thuận lợi, song vẫn còn những bất cập.

Vẫn còn những nút thắt cần tháo bỏ

Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) đã nhiều lần khẳng định, nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19 và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ Việt Nam khiến nhà đầu tư nước ngoài thêm tin tưởng và tới đầu tư tại Việt Nam nhiều hơn.

Tuy nhiên, chính vị này nói rằng, vẫn còn những điều mà Việt Nam cần phải cải thiện để có thể thu hút được đầu tư nhiều hơn. Chẳng hạn, phải đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 55/NQ-TW về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia. Điều này để phục vụ cho không chỉ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, mà còn cho nhu cầu của nhà đầu tư.

Trên thực tế, các doanh nghiệp Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng về điều này, nhất là với các doanh nghiệp phía Nam. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân khi đề cập sự chuẩn bị của Việt Nam để đón dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng luôn nhấn mạnh việc phải chuẩn bị tốt về hạ tầng năng lượng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Nhưng đó chỉ là một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thời gian gần đây. Trong khi các doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại chuyện gặp khó khăn trong nhập khẩu máy móc thiết bị cũ, thì các nhà đầu tư Hàn Quốc lại lo ngại về chuyện “giá chuyển nhượng”.

Theo KorCham, một số lượng lớn các tập đoàn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang thực hiện nhiều hình thức giao dịch với các công ty mẹ, như mua bán nguyên liệu thô, giao dịch vay vốn, giao dịch tiền bản quyền… Nhưng theo quy định của Việt Nam, chỉ cần những doanh nghiệp có doanh thu hàng năm khoảng 2,24 triệu USD (50 tỷ đồng trở lên) và giao dịch với các bên liên quan là 1,35 triệu USD (30 tỷ đồng) thì đã phải nộp báo cáo để… chống chuyển giá.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm phần lớn trong các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, là đối tượng phải nộp báo cáo và việc đáp ứng được quy định này là một gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp”, KorCham lên tiếng.

Việc cần chuẩn hóa quy trình kiểm tra hải quan với chất thải công nghiệp khi xử lý đốt chất thải công nghiệp cũng được các doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất. Bởi hiện tại, thủ tục kiểm tra hải quan với việc xả chất thải định kỳ là 6 tháng hoặc 1 năm. Nhưng điều này là bất hợp lý khi mà phải để phế thải công nghiệp trong nhà máy lâu ngày để hải quan kiểm tra.

Trong khi đó, nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm đến cơ chế ưu đãi đầu tư với dự án điện khí LNG. Theo quy định, dự án nhà máy điện khí hóa lỏng LNG đầu tư theo hình thức PPP có tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD) thuộc diện ưu đãi đầu tư. Nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư khác nhau, như thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, có thể kéo dài thêm nếu Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; được ưu đãi về thuế nhập khẩu, tiền thuê đất...

Tuy nhiên, trường hợp dự án nhà máy điện LNG được đầu tư theo hình thức IPP (đầu tư dự án điện độc lập) thì chỉ được hưởng ưu đãi đầu tư như trên nếu dự án có tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng Việt Nam (khoảng 217 triệu USD)... Đây là điều được cho là chưa thật sự thỏa đáng...

Cam kết của Thủ tướng

Trái với thông lệ, đầu tháng 12 là thời điểm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên được tổ chức để Chính phủ lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc gặp riêng với các hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong một năm đầy thách thức.

Theo Amcham, Chính phủ Việt Nam đã và đang ưu tiên sửa đổi các thủ tục hành chính nhằm giúp hoạt động kinh doanh trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư Mỹ trông đợi là một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, không khó dự đoán và tinh gọn, ưu tiên cho sự đổi mới trong kinh doanh - không chỉ nhằm thu hút đầu tư mới, mà còn duy trì và phát triển những nguồn đầu tư tại Việt Nam.

Lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh rằng, nếu có hiện tượng tiêu cực, tham nhũng ở ngành, lĩnh vực nào, “quý vị cứ phản ánh thẳng thắn, hoặc viết thư cho Thủ tướng để Thủ tướng cho kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất”.

Để có môi trường đầu tư tốt nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc cần phải cải thiện hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm xử lý vấn đề hạ tầng, năng lượng, giảm phí logistics; hình thành các thị trường rõ nét và thuận lợi hơn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là Chính phủ điện tử, công nghệ số trong quá trình phát triển.

Theo khẳng định của Thủ tướng, Chính phủ sẽ lắng nghe và tháo gỡ mọi khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là rà soát lại những điểm còn bất hợp lý để điều chỉnh. Không chỉ tạo thuận lợi, hướng tới một một môi trường cạnh tranh thuộc nhóm đầu ASEAN, Thủ tướng còn nhấn mạnh yếu tố “mọi thứ đều minh bạch”.

Đây chính là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu mong mỏi. Một trong những lý do khiến Việt Nam rất mong muốn nhưng chưa thể thu hút được các khoản đầu tư lớn từ Mỹ, từ EU là các cơ chế, chính sách còn thiếu minh bạch, thiếu nhất quán, đặc biệt là trong khâu thực thi ở cấp địa phương.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra các cam kết của các địa phương đối với nhà đầu tư có thực hiện đúng không”, Thủ tướng đã nhấn mạnh như vậy.

Trên thực tế, việc thực hiện cam kết của các địa phương là một trong những lý do căn bản khiến nhà đầu tư nước ngoài quyết định ở lại lâu dài hay không. Một nhà đầu tư Nhật Bản cho biết, ông đã có cơ hội được tới thăm một tỉnh tại Việt Nam và được lãnh đạo tỉnh giải thích về sáng kiến của họ trong việc đặt ra tôn chỉ “10 lời hứa”, bắt đầu với nội dung “đảm bảo cung cấp điện 24/24 giờ”, rồi “cấp giấy phép đầu tư trong vòng 3 ngày làm việc”, “đơn giản hóa thủ tục hành chính”, “bồi dưỡng lao động chất lượng cao”, hay “hỗ trợ tạo điều kiện thay đổi giấy phép đầu tư và các thủ tục mở rộng kinh doanh đầu tư”, “áp dụng thực hiện thủ tục khai thuế quan điện tử”, “thiết lập đường dây nóng tại UBND tỉnh” và “giải quyết kịp thời các kiến nghị từ nhà đầu tư”…

“Tôi đã vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng bởi những ‘lời hứa’ này gần như bao hàm hầu hết các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong quá trình phát triển kinh doanh tại Việt Nam”, vị này nói.

Nếu địa phương nào cũng làm được điều đó, các nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều lý do để bắt đầu hoặc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam hơn. Chính nhà đầu tư Nhật Bản nói trên cũng đã nói như vậy.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả