24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Giáng Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dồn dập diễn biến đối phó Trung Quốc ở Indo-Pacific

Dù bị che mờ bởi chiến sự ở Ukraine, động thái của các nước thuộc “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) vẫn diễn ra dồn dập với mục tiêu được cho là nhằm đối phó Trung Quốc.

Liên tục hội nghị thượng đỉnh

Tối qua (17.3), tờ The Hindu đưa tin Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison sẽ có cuộc hội nghị thượng đỉnh vào ngày 21.3 diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Dự kiến, hội nghị sẽ thảo luận về việc 2 nước tăng cường hợp tác ứng phó các thách thức trong khu vực và trên thế giới.

Trong hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo trên vào tháng 6.2020, hai bên thông qua nhiều hiệp định quân sự quan trọng như Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA), Thỏa thuận triển khai khoa học và công nghệ quốc phòng (DST)… Cả hai đều khẳng định việc tăng cường thỏa thuận là nhằm hướng đến cùng cam kết hợp tác vì an ninh, ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Mới đây, Thủ tướng Morrison một lần nữa cảnh báo nguy cơ từ hành động của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, dự kiến chiều mai (19.3), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ đến Ấn Độ và có cuộc hội đàm với Thủ tướng sở tại Narendra Modi để thảo luận về vấn đề Ukraine và cả vấn đề của Indo-Pacific.

Như vậy, từ tháng 1 đến nay, các nước thuộc “bộ tứ an ninh” đẩy nhanh việc tăng cường hợp tác đa phương lẫn song phương, thậm chí với các nước ngoài khu vực. Hồi tháng 1 vừa qua, Nhật Bản và Úc đã ký kết Thỏa thuận tiếp cận đối ứng cho phép lực lượng quân sự hai bên có thể tiếp cận cơ sở của nhau. Theo PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật), thỏa thuận giúp gắn Mỹ vào mạng lưới an ninh hợp tác của khu vực, song hành cùng việc Nhật và Úc đang nỗ lực để đảm bảo các lợi ích chiến lược của riêng từng nước, bởi Washington cũng đã có các thỏa thuận tương tự với Tokyo và Canberra.

Đến tháng 2, hội nghị cấp ngoại trưởng của “bộ tứ” đã diễn ra tại Canberra và thông qua tuyên bố chung khẳng định việc cần thiết xây dựng khả năng hồi phục sau đại dịch và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng để không bị Bắc Kinh gây sức ép.

Tất cả các động thái vừa nêu được đánh giá là nhằm củng cố các quan hệ hợp tác song phương giữa các thành viên để tiến tới hội nghị thượng đỉnh của “bộ tứ an ninh” dự kiến diễn ra vào tháng 5 tại Nhật Bản. Theo giới quan sát, hội nghị thượng đỉnh sắp tới của bộ tứ sẽ là bước ngoặt tiếp theo của nhóm này về chiến lược đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ - Trung thêm lung lay ?

Vốn bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề, đặc biệt là lợi ích tại Indo-Pacific, quan hệ Mỹ - Trung còn được cho là thêm căng thẳng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Bởi nguyên nhân được cho là vì Bắc Kinh hỗ trợ Moscow. Mới đây, Thủ tướng Morrison tuyên bố sẽ trừng phạt Bắc Kinh nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga trong chiến sự ở Ukraine.

TS Zack Cooper, chuyên gia về chiến lược của Mỹ ở châu Á, Viện Doanh nghiệp Mỹ - một cơ quan chuyên nghiên cứu chính sách công, cho rằng quan hệ Mỹ - Trung hiện đang rất lung lay. “Trung Quốc phải đưa ra lựa chọn về việc đứng cùng phía hoặc tách rời với Nga trong những ngày tới. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có những rủi ro rất lớn khi thể hiện sự liên kết rõ ràng hơn với Nga, nhưng với cách hành xử lâu nay của Bắc Kinh thì lại nghiêng về khả năng này. Vì vậy, tôi lo lắng rằng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn căng thẳng hơn trong vài tháng tới”, TS Cooper nhận định.

Ông nói thêm: “Theo quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đây là một bài kiểm tra xem liệu họ có thể thực sự hợp tác với Trung Quốc về bất kỳ vấn đề chiến lược lớn nào hay không”.

F-35 của Mỹ và J-20 Trung Quốc từng “chạm trán” ở biển Hoa Đông ?

Chuyên trang FlightGlobal vừa dẫn lời tướng Kenneth Wilsbach, chỉ huy lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay chiến đấu cơ tàng hình F-35 đã có ít nhất 1 lần “chạm trán” chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Cụ thể, phát biểu trong một hội nghị vừa qua, tướng Wilsbach cho biết “J-20 bay cũng khá tốt. Chúng tôi gần đây có một vụ mà tôi không xem đó là đụng độ, nhưng một số chiếc J-20 bay tương đối gần F-35 của chúng tôi ở biển Hoa Đông”.

Có thiết kế khá giống F-22 của Mỹ, J-20 được Trung Quốc phát triển nhằm trở thành đối trọng của loại máy bay F-35 và F-22.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả