Dồn dập chia cổ tức bằng cổ phiếu cổ đông ngân hàng có hưởng lợi ?
Cổ đông các ngân hàng đang được hưởng “trái ngọt” khi không chỉ hưởng lợi từ đợt tăng giá cổ phiếu “khủng” trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây, mà còn được chia cổ tức với tỷ lệ đáng mơ ước.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa có nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông vào ngày 13/7 để lấy ý kiến bằng văn bản về việc chia cổ tức.
Thông tin này gây bất ngờ với nhà đầu tư, bởi trong phiên họp đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 4, lãnh đạo VPBank đã trình cổ đông thông qua phương án không chia cổ tức mà giữ lại khoản lợi nhuận 8.851 tỷ đồng còn lại sau khi trích quỹ bắt buộc để phục vụ hoạt động kinh doanh. Đáng lưu ý, VPBank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức gây sốc: 80% bằng cổ phiếu (tỷ lệ 100:80).
Nhiều ngân hàng khác cũng công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao như: MB sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%; VietinBank định ngày 8/7 là ngày chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 29%; HDBank phê duyệt triển khai tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành hơn 398 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương tỷ lệ phân phối 25%; OCB sẽ phát hành gần 274 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 25%; VIB ngày 10/6 hoàn tất phát hành hơn 443,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 40%...
Một số chuyên gia cho rằng, có nhiều lý do khiến các ngân hàng vẫn chia cổ tức bằng cổ phiếu dù Ngân hàng Nhà nước không cấm chia cổ tức bằng tiền mặt. Bởi, chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp các ngân hàng tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh, từ đó phát triển bền vững hơn.
Điển hình, VietinBank sau khi hoàn thành chia cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ của năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 10.824 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng.
Tương tự, vốn điều lệ của MB sẽ tăng thêm 9.795 tỷ đồng lên hơn 38.600 tỷ đồng sau khi hoàn thành chia cổ tức bằng cổ phiếu; vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng lên hơn 20.273 tỷ đồng; còn vốn điều lệ của OCB cũng tăng từ 10.959 tỷ đồng lên 13.698 tỷ đồng; vốn điều lệ của VIB tăng mạnh từ 11.094 tỷ đồng lên 15.551 tỷ đồng…
Đại diện VIB cho biết, ngân hàng đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, cần vốn để đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Với hơn 4.900 tỷ đồng vốn tăng thêm, VIB dự kiến sẽ dành 4.400 tỷ đồng để tăng cường cấp tín dụng, phần còn lại để đầu tư cơ sở vật chất, mạng lưới chi nhánh, đầu tư tài sản thanh khoản...
Ngoài ra, tăng vốn cũng là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng. Hiện, thu nhập của nhiều ngân hàng phần lớn vẫn đến từ tín dụng. Để duy trì được hệ số an toàn vốn ở mức hiện tại, thì với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12-13%, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7-8%.
Do vậy, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều ngân hàng tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn nhằm tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cổ đông ai cũng muốn chia cổ tức bằng tiền mặt. Nhiều người có quan niệm mua cổ phiếu như là gửi tiền ngân hàng đó, nên mong cuối năm sẽ nhận được tiền mặt cho khoản tiết kiệm này. Thế nhưng, trong những năm vừa qua, các nhà đầu tư thường xuyên nhận cổ tức bằng cổ phiếu vì nhiều ngân hàng phải tăng vốn điều lệ mới đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41. Do đó, các ngân hàng buộc phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, thay vì chia cổ tức bằng tiền mặt thì chia bằng cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận