Doing Business: Kỳ vọng kỳ tích được lặp lại
Lại một lần nữa, Việt Nam được Báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business) 2020 của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tăng 1 điểm lên 69,8 điểm, nhưng thứ hạng lại giảm 1 bậc xuống vị trí thứ 70. Đây là năm thứ 2 liên tiếp điểm số tăng nhưng thứ hạng giảm.
Thứ hạng giảm liên tục
Sau kỳ tích tăng vọt cả điểm số và thứ hạng ở bảng xếp hạng Doing Business 2017 và 2018, Việt Nam đã liên tục giảm bậc trong 2 năm liền. Tại Doing Business 2017 Việt Nam đạt 63,83 điểm và tăng được 9 bậc so với năm trước lên vị trí thứ 82. Doing Business 2018, Việt Nam đạt 66,77 điểm, tăng tới 14 bậc lên vị trí thứ 68. Nhưng đến Doing Business 2019, mặc dù điểm số Việt Nam tiếp tục tăng lên 68,8 điểm, nhưng thứ hạng lại giảm 1 bậc xuống vị trí 69. Giờ tiếp tục tụt xuống vị trí 70, dù tăng được 1 điểm lên 69,8 điểm.
Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, gồm: Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 12), Thái Lan (thứ 21) và Brunei (thứ 66); và đứng trên Indonesia (thứ 73), Philippines (thứ 95), Campuchia (thứ 144), Lào (thứ 154), Myanmar (thứ 165) và Đông Timo (thứ 181).
Doing Business chấm điểm và xếp hạng các nền kinh tế dựa trên 10 chỉ số: Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán. 2 tiêu chí khác là Thuê nhân công và Hợp đồng với Chính phủ cũng được nghiên cứu nhưng không dùng để chấm điểm.
Trong 10 chỉ số này, Việt Nam có 3 chỉ số lên bậc, 6 chỉ số giảm thứ hạng và 1 chỉ số đứng nguyên. Đáng chú ý chỉ số tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm so với báo cáo trước, do đã cải thiện khả năng tiếp cận thông tin tín dụng bằng cách phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ. Trong khi chỉ số Khởi sự kinh doanh giảm 1 bậc; Xin cấp phép xây dựng giảm 4 bậc; Tiếp cận điện năng đứng nguyên; Đăng ký tài sản giảm 4 bậc; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số giảm 8 bậc...
Điểm số và thứ hạng vừa được công bố một lần nữa cho thấy cho dù Việt Nam vẫn tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng các nước khác vẫn làm tốt hơn và cải cách nhiều hơn. Theo bảng xếp hạng mới này, trong năm vừa qua, các nền kinh tế khu vực Đông Á–Thái Bình Dương đã tiến hành 33 chương trình cải cách về môi trường kinh doanh. Trung Quốc là một trong số 10 quốc gia ghi nhận nhiều cải cách nhất trong khu vực với 8 cải cách và đứng thứ hai toàn cầu. Việt Nam được ghi nhận là có 2 cải cách.
Bình luận về cải cách của Việt Nam, TS.Nguyễn Minh Phong nói rằng: “Điều đáng sợ nhất là không thay đổi so với chính mình trong quá khứ. Nhưng Việt Nam vẫn có tiến bộ so với chính mình vẫn duy trì phong độ cải cách. Tuy nhiên thứ hạng giảm đi cho thấy tốc độ cải cách cần phải được thúc đẩy mạnh hơn để Việt Nam theo kịp khu vực”.
Kỳ vọng được như năm 2018
Khá lạc quan trước những nỗ lực cải cách Việt Nam đã và đang làm và điểm số Việt Nam có được trong bảng xếp hạng. Dẫn ra điển hình về quyết liệt cải cách và kết quả đạt được, TS.Minh Phong nhắc đến chỉ số nộp thuế của Việt Nam trong Doing Business 2020 tăng 22 bậc, đưa Việt Nam từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá. Theo Tổng cục Thuế, với điểm số và thứ hạng này, ngành Thuế vượt mục tiêu Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (Nghị quyết đặt mục tiêu năm 2019 tăng 7-10 bậc, tiệm cận mục tiêu đến năm 2021 lên 30-40 bậc).
Những ghi nhận khách quan từ Doing Business 2020 là bằng chứng cho những nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống trong suốt thời gian qua đã đẩy mạnh cải cách toàn diện hệ thống, từ thể chế, phương thức, đến bộ máy, con người quản lý. Rất nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được đưa vào hệ thống để cắt giảm, đơn giản hóa nhiều khâu trong quy trình quản lý và tạo thêm dư địa để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN và người dân trong thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Đơn cử như thời gian doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị nộp thuế GTGT bao gồm lập bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra theo Tờ khai thuế GTGT đã giảm khoảng 90 giờ (từ 212 còn 122 giờ). Thời gian kê khai thuế TNDN giảm từ 5 lần xuống 1 lần.
Trở lại với vấn đề giảm hạng, TS. Nguyễn Minh Phong không ngạc nhiên vì thực tế vẫn rất nhiều vấn đề nổi cộm. “Doanh nghiệp và người dân vẫn phản ánh tình trạng một cửa nhưng nhiều cánh, đây đó vẫn mất phí bôi trơn, và các công chức viên chức càng ở cấp thấp gần dân nhất thì càng chậm thay đổi nhất”, TS. Phong thẳng thắn nói.
“Điểm số của những năm qua trong Doing Business chỉ tăng từng tý một đã cho thấy mức độ cải cách thế nào”, PGS-TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng bình luận. Khẳng định nỗ lực cải cách những năm qua đã khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam tốt hơn lên rất nhiều, nhưng PGS. Nguyễn Đức Thành cho rằng mức độ cải cách chưa được như ý: “Những cải cách chúng ta đã làm tuy mang lại sự cải thiện so với chính chúng ta nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Chúng ta phải biến hào quang của chiến thắng cũ trở thành động lực cho những cải cách tiếp theo, đừng để hào quang của chiến thắng cũ làm mờ những việc cần phải gỡ, cần quyết liệt thực hiện”.
Chỉ có như vậy thì việc tăng điểm nhưng giảm bậc mới không trở thành điệp khúc và chúng ta lại có thể kỳ vọng sẽ có thêm lần đạt được kỳ tích tăng vượt bậc như ở Doing Business 2018.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận