"Đói" vật liệu, nhà thầu cao tốc Bắc - Nam gặp khó vì chủ mỏ "hét giá"
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong tổng số vốn hơn 46.400 tỷ đồng được bố trí trong năm 2023, tính đến hết tháng 10/2023, dự án đã giải ngân được hơn 33.200 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch.
Cụ thể, hai dự án thành phần có tỷ lệ giải ngân cao nhất như: Cần Thơ - Hậu Giang (91%), Vũng Áng - Bùng (86%); Các dự án thành phần có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% trở lên gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi (74%), Bùng - Vạn Ninh (70%), Vạn Ninh - Cam Lộ (75%), Vân Phong - Nha Trang (73%), Hậu Giang - Cà Mau (77%).
Cùng với đó, 5 dự án thành phần khác, gồm: Hàm Nghi - Vũng Áng tính đến hết tháng 10/2023 giải ngân 66%, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn giải ngân 69%, Hoài Nhơn - Quy Nhơn giải ngân 66%, Quy Nhơn - Chí Thạnh giải ngân 60%, Chí Thạnh - Vân Phong giải ngân 64% kế hoạch vốn.
Tính riêng dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi đã giải ngân được gần 1.700 tỷ đồng, đạt hơn 74% kế hoạch; Sản lượng giải ngân dự án Hàm Nghi - Vũng Áng đã được nâng lên 2.274 tỷ đồng, đạt gần 85% kế hoạch.
Đánh giá về các dự án, Bộ GTVT cho biết, cao tốc Bắc - Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc về nguồn vật liệu thi công khi số lượng mỏ được cấp phép chưa đủ; mức giá đền bù giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu chênh lệch quá lớn so với dự toán.
Điển hình như việc thi công tại Dự án Cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn trong thời gian qua, nhà thầu Đồng Khánh phải chấp nhận chi trả một khoản chi phí phát sinh lớn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu.
Cụ thể, tại mỏ Núi Thị 1 và Núi Thị 2, theo dự toán, khung giá bồi thường từ 390-440 triệu đồng/ha. Tuy vậy, để người dân đồng ý giao đất khai thác mỏ, nhà thầu Đồng Khánh phải chấp nhận mức giá bồi thường hoa màu, cây cối trên đất với số tiền dao động gấp 1,5-2 lần, tương đương con số từ 550-900 triệu đồng/ha.
Tương tự, nhà thầu Davinco đang gấp rút hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ Truông Ổi (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) nhưng đến nay vẫn vướng về mức giá đền bù với người dân.
Dẫn lời Báo Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đường bộ cao tốc quan trọng Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại các Nghị quyết được Quốc hội, Chính phủ ban hành, trong đó cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu. Điều này đã rút ngắn được thời gian cấp mỏ cho các dự án được khoảng 8 -10 tháng so với tổng thời gian từ 10-12 tháng nếu thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản.
Ông Vân thừa nhận để khai thác được vật liệu, nhà thầu còn phải thực hiện công tác thỏa thuận giá bồi thường với chủ sở hữu. Một số mỏ đang rất khó khăn trong việc thỏa thuận bồi thường do chủ sở hữu yêu cầu mức giá cao.
Cũng theo ông Vân, các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn về trình tự, nguyên tắc trong đàm phán thỏa thuận bồi thường để khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án.
Về dài hạn, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định, cơ chế theo hướng đưa mỏ vật liệu phục vụ dự án vào diện nhà nước thu hồi đất, phân cấp chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và rút ngắn các thủ tục đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông," ông Vân kiến nghị.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với các địa phương từ Hà Tĩnh - Khánh Hòa để đẩy nhanh tiến độ xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác và phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu hoàn tất các thủ tục về đất đai để khai thác vật liệu.
Khẳng định Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và đề xuất cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã chủ động phối hợp, làm việc với các cơ quan liên quan. Tuy nhiên để gia hạn Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần có tờ trình chính thức để Quốc hội thông qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận