Đổi tên ở Senkaku/Điếu Ngư, nguy cơ leo thang căng thẳng Trung-Nhật
Động thái mới này có thể tiếp tục châm ngòi cho những căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước láng giềng khu vực Đông Bắc Á.
Chính quyền thành phố Ishigakii thuộc tỉnh Okinawa, miền Nam Nhật Bản hôm 22/6 đã phê chuẩn dự luật thay đổi địa danh hành chính của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vốn là điểm nóng trong tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản-Trung Quốc kéo dài nhiều thập niên qua.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, động thái mới này có thể tiếp tục châm ngòi cho những căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước láng giềng khu vực Đông Bắc Á.
Theo Giáo sư Lý Hải Đông, Viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, việc thay đổi địa danh hành chính vào thời điểm này chỉ khiến cho những tranh cãi lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc thêm phức tạp và dẫn đến các nguy cơ khủng hoảng ngoại giao, quân sự giữa hai nước như đã từng xảy ra trước đây.
Theo các chuyên gia, dù chỉ là sự thay đổi tên gọi song động thái của chính quyền thành phố Ishigakii có thể làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á.
Với đa số phiếu tán thành, chính quyền thành phố Ishigakii đã thông qua luật đổi tên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn là điểm nóng trong tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản-Trung Quốc kéo dài nhiều thập niên qua thành Tonoshiro Senkaku, thay cho tên gọi Tonoshiro hiện hành.
Theo lý giải của chính quyền thành phố, việc thay đổi tên gọi nhằm tránh sự nhầm lẫn trong hoạt động quản lý hành chính do một địa phương khác ở Ishigakii cũng có tên là Tonoshiro. Tên gọi mới của quần đảo tranh chấp sẽ được thay đổi từ 1/10 tới.
Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng sau cuộc bỏ phiếu của chính quyền thành phố Ishigakii. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, việc phía Nhật Bản thông qua dự luật đổi tên liên quan đến quần đảo Điếu Ngư là sự "thách thức nghiêm trọng" đối với chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, là hành vi "phi pháp" và "vô giá trị". Đồng thời, khẳng định quyết tâm và ý chí không thay đổi trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng bày tỏ sự "kiên quyết phản đối" trước quyết định của Nhật Bản, cho biết đã "giao thiệp nghiêm khắc" với Nhật Bản thông qua con đường ngoại giao và tuyên bố sẽ "bảo lưu quyền đưa ra những phản ứng tiếp theo".
Về phía Nhật Bản, Chính phủ nước này hiện cũng chưa có bình luận gì về động thái của chính quyền thành phố Ishigakii. Tuy nhiên, ngay sau cuộc bỏ phiếu, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đưa tin, việc thông qua dự luật một lần nữa xác nhận quần đảo là một phần của lãnh thổ Nhật Bản.
Trước đó, tại cuộc họp báo diễn ra cuối tuần qua, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ của nước này: “Trong bất cứ tình huống nào, chúng tôi cũng sẽ bảo vệ vùng biển, vùng đất và vùng trời của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản sẽ làm hết sức để giữ bình tĩnh và giám sát tình hình tại khu vực quần đào Senkaku. Chúng tôi sẽ phản ứng kiên quyết song bình tĩnh với phía Trung Quốc.”
Tuyên bố của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh, tàu tuần tra duyên hải của Trung Quốc kể từ ngày 14/4 vừa qua liên tục xuất hiện tại khu vực lãnh hải của Nhật Bản, gần khu vực quần đảo tranh chấp.
Đây là thời gian hoạt động lâu nhất của tàu tuần tra duyên hải Trung Quốc tại khu vực tranh chấp kể từ tháng 9/2012, khi căng thẳng Nhật Bản –Trung Quốc leo thang sau khi chính phủ Nhật Bản mua và quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư.
Quần đảo tranh chấp Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc vốn nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản từ năm 1972 song cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với nhóm quần đảo này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận