Đối tác thương hiệu Burger King 'từ chối' đóng cửa 800 nhà hàng ở Nga
Burger King đang cố gắng đình chỉ hoạt động của mình ở Nga, nhưng điều đó có vẻ khó khăn. Thương hiệu nổi tiếng này của Hoa Kỳ cho biết một đối tác kinh doanh kiểm soát 800 nhà hàng ở Nga đã từ chối đóng cửa, theo CNN.
Chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp thịt, thuộc sở hữu của Restaurant Brands International (QSR), có quan hệ đối tác liên doanh với doanh nhân người Nga Alexander Kolobov.
RBI chỉ kiểm soát 15% hoạt động kinh doanh Burger King của Nga và Kolobov chịu trách nhiệm về "hoạt động hàng ngày và giám sát" các địa điểm của mình tại quốc gia này.
Điều đó có nghĩa là Burger King không thể trực tiếp đóng cửa các cửa hàng mang thương hiệu này ở Nga.
David Shear, Chủ tịch các hoạt động quốc tế của RBI, cho biết trong một bức thư ngỏ: "Chúng tôi đã bắt đầu quy trình để định đoạt [trong số] cổ phần sở hữu của chúng tôi trong doanh nghiệp. Mặc dù chúng tôi muốn làm điều này ngay lập tức, nhưng rõ ràng sẽ cần mất một thời gian, dựa trên các điều khoản của thỏa thuận liên doanh".
Ngược lại, McDonald's (MCD) sở hữu hoàn toàn hơn 80% nhà hàng của mình ở Nga. Điều đó làm cho việc rút khỏi đất nước này của thương hiệu này dễ dàng hơn rất nhiều.
Shear nói rằng RBI đã "yêu cầu" liên doanh này ngay lập tức đóng cửa các cửa hàng mang thương hiệu Burger Kings, nhưng doanh nhân người Nga Kolobov đã "từ chối làm như vậy".
Thương hiệu Burger King đã vào nước Nga khoảng một thập kỷ trước, với việc liên doanh với Kolobov, Investment Capital Ukraine và VTB Capital, một ngân hàng của Nga nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, Shear giải thích rằng một "quy trình pháp lý phức tạp" đang ngăn cản việc đóng cửa quan hệ đối tác và các doanh nghiệp.
Shear nói: “Không có điều khoản pháp lý nào cho phép chúng tôi đơn phương thay đổi hợp đồng hoặc cho phép bất kỳ đối tác nào bỏ qua hoặc lật ngược toàn bộ thỏa thuận. Không có nhà đầu tư nghiêm túc trong bất kỳ ngành công nghiệp nào trên thế giới đồng ý với một mối quan hệ kinh doanh lâu dài với các điều khoản chấm dứt đơn giản".
Tuần trước, Burger King đã yêu cầu sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp của mình ở Nga, bằng việc đình chỉ các hoạt động tiếp thị và hỗ trợ chuỗi cung ứng cho các cửa hàng ở Nga.
Đây là những vấn đề phức tạp mà một số công ty và ngân hàng phương Tây gặp phải khi họ muốn rút các doanh nghiệp của mình ra khỏi nước Nga, bởi họ không có toàn quyền kiểm soát các liên doanh hoặc quan hệ đối tác này.
Papa Johns Pizza, một thương hiệu khác của Mỹ cũng gặp khó khi muốn đóng cửa hoạt động tại Nga. Ảnh Andrey Rudakov/Bloomberg via Getty Images file
Ví dụ, một công ty nhượng quyền của Papa Johns (PZZA) ở Nga đã từ chối đóng cửa khoảng 200 địa điểm ngay cả sau khi chuỗi cửa hàng pizza tạm ngừng hỗ trợ cho công ty này.
Ngay cả McDonald, thương hiệu nổi tiếng khác của Mỹ cũng nói quyết định đóng cửa ở Nga là 'một việc rất khó khăn'.
"Tại Nga, chúng tôi tuyển dụng 62.000 người làm việc, hợp tác với hàng trăm nhà cung cấp và đối tác địa phương ở Nga, và chúng tôi phục vụ hàng triệu khách hàng Nga mỗi ngày", Giám đốc điều hành McDonald's Chris Kempczinski cho biết trong một tuyên bố cách đây không lâu.
"Trong hơn 30 năm McDonald's đã hoạt động tại Nga, chúng tôi đã trở thành một phần thiết yếu của 850 cộng đồng mà chúng tôi đang hoạt động, Tuy nhiên, tình hình hiện tại khiến việc tiếp tục hoạt động tại thị trường này là không thể được, ít nhất là vào lúc này", ông này nói thêm.
Kể từ khi Nga tiến đánh Ukraine, các nước phương Tây đã ra lệnh trừng phạt nghiêm khắc kinh tế Nga. Nhiều thương hiệu nổi tiếng trong ngành thực phẩm của Mỹ như McDonald's, Dunkin Donuts, Yum Brands, Starbucks... đã tuyên bố tạm ngưng hoạt động ở Nga để ủng hộ quyết định trừng phạt này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận