Đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa GRDP Hải Phòng tăng từ 13% trở lên
Với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 12,38%, gấp gần 5 lần so với mức bình quân chung của cả nước, năm 2022, Hải Phòng sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics và du lịch - thương mại…
Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát dữ dội và gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, GRDP của Hải Phòng vẫn đạt mức tăng trưởng hai con số và là một trong những địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước.
ĐẠT MỤC TIÊU KÉP
Báo cáo tình hình kinh tế năm 2021 của Hải Phòng cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 12,38%, gấp hơn 4,79 lần mức bình quân chung cả nước.
“Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhiều địa phương giảm sâu do những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng.
Trong đó, nhiều chỉ số có mức tăng ấn tượng. Chỉ số phát triển công nghiệp đạt mức 18,5%. Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra, trong đó, thu nội địa đạt trên 35.000 tỷ đồng, vượt thu khoảng hơn 1 nghìn tỷ so với kế hoạch, thu xuất nhập khẩu đạt trên 57.000 tỷ đồng, vượt trên 16% so với dự toán Trung ương giao. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu đạt mức trên 25 tỷ USD.
Đặc biệt, mặc dù giãn cách xã hội kéo dài làm ảnh hưởng tới việc khảo sát đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài song thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hải Phòng vẫn đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay với mức 3,13 tỷ USD.
Nếu tính thêm giá trị chuyến nhượng vốn giữa Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast và Công ty Vinfast Trading & Investment Singapore Pte. Ltd thì tổng thu hút FDI của Hải Phòng trong năm 2021 đạt khoảng 5,2 tỷ USD.
Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, các hoạt động đầu tư – xây dựng của Hải Phòng đã không bị “ngắt quãng”. Nhờ đó, Hải Phòng đã hoàn thành, đưa vào khai thác một số công trình hạ tầng quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đông như: Trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Văn Linh đến đường Tô Hiệu; cầu Dinh; cầu Quang Thanh; tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5…
Đồng thời, đang gấp rút hoàn thành một số công trình giao thông đô thị như đường Đông Khê 2; cầu Rào 1; nút giao khác mức tại Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5. Bên cạnh đó, chuẩn bị nguồn vốn để khởi công xây dựng Trung tâm Hành chính - Chính trị thành phố tại Bắc Sông Cấm, cầu Rừng, cầu Nguyễn Trãi…
Trao đổi với Vneconomy, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, đây là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân thành phố. Trong đó, Hải Phòng đã tập trung quyết liệt cho việc tạo dựng một môi trường xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh an ninh, an toàn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
“ Khi nhân dân, và cộng đồng doanh nghiệp có được niềm tin ắt sẽ toàn tâm, toàn ý chung tay, chung lực vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố”, Chủ tịch Hải Phòng chia sẻ.
TẬP TRUNG VÀO 3 TRỤ CỘT
Với nền tảng đạt được trong năm 2021, Hải Phòng phấn đấu đưa GRDP năm 2022 tăng 13% trở lên so với năm 2021, trong đó: nhóm nông, lâm, thủy sản tăng 1,16%; nhóm công nghiệp, xây dựng tăng 19,25%; nhóm dịch vụ tăng 5,15%; thuế và trợ cấp sản phẩm tăng 9,0%.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 19% - 20%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 99.575,46 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 39.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động đạt 178.000 tỷ đồng…
Để hướng tới mục tiêu này, Hải Phòng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động từ sớm, từ xa trong việc xây dựng các kế hoạch, kịch bản để ứng phó kịp thời, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống, giữ vững thành quả chống dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn; thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi.
Theo đó, Hải Phòng chủ động xây dựng các phương án, kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là các lĩnh vực bị tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tương ứng với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo từng ngành, lĩnh vực; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh được khống chế.
Cùng với đó, Hải Phòng nỗ lực giữ vững vị trí xếp hạng PCI của thành phố trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt; điểm số PCI đạt từ 70 điểm trở lên.
Trong đó, Hải Phòng đẩy mạnh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nộp được hồ sơ hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên khi thực hiện thủ tục hành chính. Quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết công việc. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và thanh toán không dùng tiền mặt; khẩn trương thực hiện tích hợp thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, Hải Phòng sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, từ đó tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực trong nền kinh tế; tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn chi… Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số….
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, trong năm 2022, Hải Phòng sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó định hướng phát triển kinh tế sẽ dựa trên 03 trụ cột chủ yếu đó là công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận