Đổi đầu tư lấy dầu mỏ: Trung Quốc và Iran bắt tay, đôi bên cùng có lợi?
Thỏa thuận hợp tác 25 năm “đổi đầu tư lấy dầu mỏ” giữa Trung Quốc và Iran có thể giúp Tehran thoát khỏi sự cô lập quốc tế, trong khi Bắc Kinh cũng gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông.
Iran thoát cô lập, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông
Trong thỏa thuận an ninh và kinh tế ký kết hôm 27/3, Trung Quốc đồng ý đầu tư 400 tỷ USD vào Iran trong 25 năm để đổi lấy nguồn cung cấp dầu mỏ ổn định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thỏa thuận có thể giúp gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông, đồng thời giảm thiểu tác động từ nỗ lực của Mỹ trong việc cô lập Iran. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ thỏa thuận này có thể thực thi như thế nào trong bối cảnh những bất đồng giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân vẫn chưa được giải quyết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất khôi phục đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà người tiền nhiệm Donald Trump đã đơn phương rút khỏi chỉ 3 năm sau khi chính quyền Barack Obama ký kết. Giới chức Mỹ cho rằng cả 2 nước có thể thực hiện những bước đi đồng thời để đưa Iran trở lại tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận trong khi Mỹ sẽ dần dần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Iran từ chối làm như vậy, và Trung Quốc ủng hộ. Tehran muốn Washington phải hành động trước để khôi phục thỏa thuận mà nước này phá vỡ bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương làm tê liệt nền kinh tế Iran. Trung Quốc là một trong nhóm P5+1 bao gồm Mỹ, ký thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015.
Theo hãng thông tấn Fars News, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ký thỏa thuận hợp tác trong một buổi lễ tại trụ sở Bộ ngoại giao ở Tehran ngày 27/3. Động thái này diễn ra nhân chuyến thăm 2 ngày của Ngoại trưởng Vương Nghị tới Iran, thể hiện tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc về việc đóng vai trò lớn hơn ở khu vực vốn là mối quan tâm chiến lược của Mỹ suốt nhiều thập kỷ.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Hassan Rouhani, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc ủng hộ Iran. Mỹ cần xóa bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt đối với Cộng hòa Hồi giáo này.
Cả Iran cũng như Trung Quốc đều không tiết lộ chi tiết về thỏa thuận trước khi ký kết. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, văn bản chính thức không có nhiều khác biệt so với dự thảo 18 trang mà New York Times tiếp cận được hồi năm 2020.
Theo bản dự thảo, khoản đầu tư 400 tỷ USD sẽ được thực hiện trong hàng chục lĩnh vực, trong đó có ngân hàng, viễn thông, cảng biển, đường sắt, y tế và công nghệ thông tin, trong 25 năm tới. Đổi lại, Trung Quốc sẽ được nhận nguồn cung cấp dầu mỏ thường xuyên từ Iran. Theo một quan chức Iran và một nhà buôn dầu mỏ nước này, Trung Quốc sẽ được chiết khấu khá nhiều.
Dự thảo thỏa thuận cũng kêu gọi tăng cường hợp tác quân sự, trong đó có việc huấn luyện và tập trận chung, cùng nghiên cứu và phát triển vũ khí cũng như chia sẻ thông tin tình báo.
Đôi bên cùng có lợi hay Iran “cho quá nhiều”?
Giới chức Iran coi thỏa thuận với Trung Quốc – do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất trong một chuyến thăm năm 2016 – là một bước đột phá. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng vấp phải sự chỉ trích ở nội bộ Iran, rằng chính phủ có thể sẽ cho phía Trung Quốc quá nhiều.
Trên trang Twitter cá nhân, ông Hesamoddin Ashena, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Rouhani đã gọi thỏa thuận này là “ví dụ điển hình về ngoại giao thành công”, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là một dấu hiệu cho thấy Iran đang dần “tham gia vào các liên minh, chứ không còn ở tình trạng cô lập nữa”.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh gọi văn bản thỏa thuận là “bản đồ đường hướng” cho mối quan hệ song phương trong 1/4 thế kỷ tiếp theo.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã tới thăm Saudi Arabia - đối thủ của Iran - cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Bahrain và Oman. Ông nói rằng, đây là khu vực có tầm quan trọng chiến lược và Trung Quốc sẵn sàng trợ giúp trong việc giải quyết những bất đồng dai dẳng, trong đó có cả chương trình hạt nhân Iran.
Trung Quốc thậm chí sẵn sàng tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Israel và Palestine, ám chỉ rằng, sự thống trị của Mỹ trong khu vực đã làm cản trở hòa bình và phát triển.
Trong khi đó, ở Iran, có những quan điểm trái chiều về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Sau khi ông Tập Cận Bình đề xuất về thỏa thuận chiến lược trong chuyến thăm năm 2016, các cuộc đàm phán nhằm hoàn tất thỏa thuận này ban đầu diễn ra chậm chạp. Iran khi đó vừa mới đạt được thỏa thuận với Mỹ và các nước khác nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế với điều kiện Tehran hạn chế chương trình hạt nhân. Các công ty châu Âu cũng bắt đầu đầu tư vào Iran, mở ra các mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.
Những cơ hội này nhanh chóng biến mất sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, đồng thời áp đặt các trừng phạt mới, khiến châu Âu lo ngại sẽ bị ảnh hưởng. Điều này cũng khiến Iran phải “hướng Đông”.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã yêu cầu khôi phục đối thoại với Trung Quốc, chỉ định cựu Chủ tịch Quốc hội đồng thời là chính trị gia bảo thủ đáng tin cậy Ali Larijani làm đặc phái viên về vấn đề này.
“Lịch sử hợp tác giữa 2 nền văn hóa Iran và Trung Quốc đã có từ nhiều thế kỷ. Việc ký thỏa thuận hợp tác sẽ thắt chặt mối quan hệ giữa 2 nước”, Ngoại trưởng Zarif nói.
Những người phản đối cho rằng các cuộc đàm phán thiếu tính minh bạch, đồng thời gọi thỏa thuận này là “bán tháo” các nguồn lực của Iran, thậm chí so sánh với các thỏa thuận một phía mà Trung Quốc từng thực hiện với các nước khác, như Sri Lanka.
Trong khi đó, những người ủng hộ thỏa thuận này cho rằng Iran cần phải thực dụng và thừa nhận ưu thế kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
“Suốt thời gian dài, trong các mối liên minh chiến lược, chúng ta đã đặt tất cả trứng vào giỏ của phương Tây và điều đó không đem lại kết quả mong muốn. Bây giờ, nếu chúng ta chuyển hướng chính sách và hướng Đông, mọi chuyện sẽ không tệ đến thế”, Ali Shariati, nhà phân tích kinh tế từng là thành viên Phòng Thương mại Iran đánh giá.
Hiện vẫn chưa rõ những dự án tham vọng được nêu trong thỏa thuận sẽ được cụ thể hóa như thế nào. Nếu thỏa thuận hạt nhân sụp đổ hoàn toàn, chính các công ty Trung Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ - vấn đề luôn khiến Trung Quốc đau đầu.
Việc Mỹ khởi kiện công ty viễn thông Trung Quốc Huawei cũng một phần là vì cáo buộc công ty này bí mật giao dịch với Iran, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận