Đối đầu khó khăn, nỗ lực “giải cứu” Nhà máy xơ sợi Đình Vũ
Việc đưa ra ý tưởng hình thành, rồi quyết định và triển khai đầu tư xây dựng một dự án đã khó khăn, phức tạp, nhưng việc giải cứu một dự án sau khi đã được đầu tư còn phức tạp và gian khổ hơn nhiều. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ là một trong các dự án khó khăn của ngành Công thương đang trên đường “giải cứu”…
Nhà máy được đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại...
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có công suất thiết kế là 175 ngàn tấn xơ, sợi/năm, đáp ứng khoảng trên 25% nhu cầu nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao cho ngành Dệt may Việt Nam hiện nay. Dự án có tổng mức đầu tư được duyệt là 324 triệu USD, thời gian hoàn vốn dự kiến 8 năm 8 tháng, hoàn thành đầu tư xây dựng năm 2011.
Nhà máy hoàn thành vào tháng 6-2013. Trên cơ sở kết quả thực hiện Hợp đồng EPC và được chấp thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước, Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTex) đã nhận bàn giao nhà máy để vận hành thương mại từ tháng 9-2013.
Nhà máy sử dụng thiết bị công nghệ do các nhà bản quyền công nghệ hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực hóa dầu và xơ sợi cung cấp như Uhde Inventa Fisher (Thụy Sỹ), Neumag (Đức) và Barmag (Đức). Trong quá trình thực hiện, Chủ đầu tư đã thuê các tư vấn có năng lực và kinh nghiệm để giám sát quá trình thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử và chạy nghiệm thu Nhà máy.
Giai đoạn 2014-2016, với mục đích hợp tác với PVTex để sản xuất kinh doanh xơ sợi, một số đối tác nước ngoài như Indorama (Đài Loan), Formosa (Đài Loan), Fortrec (Singapore)... đánh giá nhà máy có công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại.
Đặc biệt, Tập đoàn Reliance Industry Limited (Ấn Độ, đứng đầu thế giới về sản xuất xơ sợi) vào tháng 6/2016 và tháng 10/2017 đã đến đánh giá tình trạng và kết luận Nhà máy có công nghệ, thiết bị được lựa chọn và chất lượng xây dựng rất tốt, phù hợp để vận hành ổn định lâu dài. Công ty Hantex (Mỹ) trong tháng 4/2014 cũng đã có báo cáo khẳng định nhà máy được xây dựng với công nghệ mới nhất, thiết bị hiện đại.
Năm 2017, Bộ KHCN đã chủ trì việc đánh giá nhà máy và báo cáo Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Ban Chỉ đạo), trong đó nêu rõ: công nghệ sản xuất nhựa polyester, xơ PSF và sợi Filament từ các nhà cung cấp bản quyền công nghệ hàng đầu trên thế giới; các thiết bị chính là thiết bị mới, hiện đại, được cung cấp từ các nhà bản quyền hàng đầu thế giới. Toàn bộ thiết bị được nhập từ 15 nước và vùng lãnh thổ bao gồm: Đức, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Nhật, Ý, Pháp, Mỹ, G7…
Nhiều khó khăn, thách thức phải đối đầu
Mặc dù nhà máy được đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại với công suất lớn, thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn và có triển vọng phát triển khi Việt Nam hội nhập thương mại sâu rộng quốc tế thông qua các hiệp định như CPTPP, EVFTA... cũng như nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành... nhưng việc vận hành thương mại nhà máy đã phải đối mặt với các khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của nhà máy cũng như của Công ty PVTex.
Ngay từ khi Nhà máy ra đời đã phải cạnh tranh khốc liệt mà thiếu đi sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của Nhà nước như các nhà máy khác. Nhà máy hoạt động đơn độc, không được gắn với chuỗi cung ứng đầu vào và đầu ra: thường thì việc đầu tư nhà máy xơ sợi phải gắn với việc đầu tư đầu vào là các nhà máy cung ứng nguyên liệu chính PTA, MEG và đầu ra là các nhà máy kéo sợi, dệt nhuộm và may. Như vậy sẽ cân bằng được lợi ích tổng thể các khâu trong chuỗi; phần lớn sản phẩm tự cung cấp cho chuỗi cung ứng nên ít bị phụ thuộc bởi thị trường bên ngoài; giảm được chi phí vốn và chi phí vận chuyển đóng gói...
Năm 2013, nhà máy mới vận hành thương mại thay vì như kế hoạch là năm 2011. Đây là chu kỳ đi xuống của thị trường bông, xơ, sợi và dầu khí. Giá dầu liên tục lao dốc từ cuối năm 2014 cho tới hết năm 2015, từ trên 100 USD xuống còn 25 USD/thùng. Đồng thời giá bông sụt giảm liên tục do tồn kho cao và kinh tế Trung Quốc suy giảm, kéo theo giá xơ sợi sụt giảm sâu từ 1200 USD/tấn đầu năm 2014 xuống 860 USD/tấn vào cuối năm 2015, mất gần 30%. Trong quý III/2015, Trung Quốc liên tục phá giá đồng NDT dẫn đến việc xuất khẩu xơ, sợi ồ ạt vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á, làm cho các nhà sản xuất trong nước thiệt hại nghiêm trọng (giá sợi 75/36 giảm từ 1.600 USD/tấn vào tháng 6 chỉ còn 1.200 USD/tấn vào tháng 10/2015, giảm tới 25%). Sản phẩm sợi Công ty PVTex xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ bị điều tra chống phá giá.
Sau khi hoàn thành chạy thử, do thiếu vốn lưu động nên nhà máy dừng hơn 9 tháng (từ tháng 9/2013 tới tháng 6/2014), quá trình dừng máy dài ngày đã phát sinh các hỏng hóc của một số thiết bị, nhân lực lao động có kinh nghiệm bị thiếu hụt, uy tín thương hiệu trên thị trường gần như không còn.
Thực tiễn tại các nhà máy lọc hóa dầu nói chung trong nước và trên thế giới, việc đưa vào vận hành ổn định phải mất một số năm đầu để tối ưu hóa thiết bị, công nghệ, đặc biệt là kỹ năng vận hành của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật. Đối với các nhà máy sản xuất xơ, sợi, yêu cầu này cần thời gian lâu và khắt khe hơn.
Cơ hội từ thị trường dệt may trong nước
Nhu cầu về xơ sợi của ngành dệt may Việt Nam là rất lớn, mặc dù là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhưng gần như chỉ gia công mà chưa làm chủ được nguyên liệu. Nhu cầu lên đến 700 - 800.000 tấn xơ sợi/năm trong khi năng lực sản xuất trong nước mới chỉ có PVTex với công suất 175.000 tấn và Formosa cung cấp khoảng 145.000 tấn/năm.
Ngoài ra, về cơ cấu đối với nguyên liệu, nhu cầu đối với sợi polyester ngày càng lớn so với sợi tự thiên. Hơn nữa khi Việt Nam là thành viên của CPTPP theo đó bắt buộc hàng dệt may Việt Nam muốn được hưởng các chính sách ưu đãi khi vào thị trường này thì nguyên liệu sợi phải được sản xuất tại Việt Nam, kể cả chỉ may.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, việc quy hoạch, phát triển ngành dệt may đang được dịch chuyển dần ra phía Bắc, gần khu vực nhà máy sản xuất của PVTex. Trên cơ sở đó các nhà tư vấn khuyến cáo nên đầu tư vào lĩnh vực xơ sợi tổng hợp.
Phương án giải cứu, khôi phục hoạt động của nhà máy.
Với những khó khăn, thách thức nêu trên thì phương án khôi phục lại nhà máy phải được xây dựng tổng thể, lâu dài, toàn diện và đồng bộ. Chính vì vậy, PVN đã giao Viện Dầu khí Việt Nam phối hợp với đối tác nước ngoài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, bối cảnh, khó khăn, thuận lợi và tương lai để đề ra phương án giải cứu.
Các phương án được đưa ra phân tích, đánh giá kể cả phương án phá sản nhà máy. Căn cứ thực trạng đầu tư, kết quả nghiên cứu, đánh giá với mục tiêu giảm thiểu các thiệt hại, từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa nhà máy vào hoạt động trở lại và dần hoạt động có hiệu quả, PVN đã chỉ đạo Người đại diện phần vốn của PVN tại PVTex khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng thể và triển khai các giải pháp đồng bộ với sự hỗ trợ của các đơn vị trong ngành Dầu khí.
Năm 2017, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, PVTex đã tiếp tục tập trung đánh giá, xây dựng phương án khôi phục nhà máy trên cơ sở nhận định các khó khăn, thuận lợi. Các phương án và giải pháp cho nhà máy giai đoạn tiếp theo đã được nghiên cứu, đánh giá trên các mặt (pháp lý, quản trị, kỹ thuật, thương mại, tài chính) và xây dựng…
Ngày 29-9-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1468/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương”. Tiếp đó, ngày 14-11-2017 Ban Chỉ đạo cũng đã có Quyết định số 4269/QĐ-BCĐDADNCT về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án.
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, việc xử lý sẽ thực hiện theo hướng: “Ưu tiên chọn Phương án: Khởi động, vận hành lại Nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc Phương án: PVTex chuyển nhượng Công ty. Trong trường hợp cả 02 phương án triển khai không thành công thì sẽ xem xét Phương án: Phá sản công ty theo quy định của pháp luật”. PVTex với sự hỗ trợ của các cổ đông đã nghiêm túc và quyết liệt thực hiện các công việc theo Đề án đã được phê duyệt.
Qua đánh giá, với thực trạng của Nhà máy thì phương án tối ưu cho vận hành lại là khởi động từng phần, dần đi đến vận hành toàn bộ nhà máy, trong đó hợp tác với đối tác có năng lực, kinh nghiệm để sản xuất kinh doanh là giải pháp được ưu tiên.
Với sự hỗ trợ của Tập đoàn và các đơn vị trong Tập đoàn, PVTex đã tổ chức khảo sát đánh giá và xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, khởi động lại Nhà máy. Đồng thời, đã tiến hành các công việc bảo dưỡng cơ bản các máy móc, thiết bị để chuẩn bị cho việc khởi động lại Nhà máy.
Xuất phát từ việc phân xưởng kéo sợi có thể độc lập vận hành do đó PVN/PVTex đã cùng với các chuyên gia đánh giá hiện trạng hệ thống dây chuyền sản xuất sợi DTY của Nhà máy và tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất sợi DTY.
Với sự hỗ trợ từ các cổ đông, ngày 20-4-2018 PVTex đã vận hành lại 3/29 dây chuyền kéo sợi DTY, sau đó nâng dần số lượng dây chuyền vận hành lại lên mức tối đa có thể trên cơ sở cân đối nguồn lực của PVTex. Kết quả cho thấy máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng được yêu cầu khách hàng, tạo được công ăn việc làm cho hơn 100 lao động và giảm được chi phí tối thiểu cần các cổ đông hỗ trợ để duy trì công tác chăm sóc, bảo quản nhà máy.
Từ ngày 18-12-2017, PVTex đã phát hành Hồ sơ đề xuất mời hợp tác tới các đối tác có quan tâm. Đến hạn cuối cùng (ngày 20-1-2018), chỉ có Tổ hợp An Phát Holdings + Reliance Pte. Ltd. (Ấn độ) + Fortrec Chemical (Singapore) do An Phát Holdings đứng đầu (APH) đã trình Hồ sơ đề xuất phương án hợp tác.
Trên cơ sở kết quả làm việc, ngày 27-4-2018, PVTex và Tổ hợp APH đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác SXKD để các bên có cơ sở tiếp tục thương thảo, đàm phán, làm rõ các vấn đề liên quan đến hợp tác sản xuất và kinh doanh Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Đến tháng 11-2018, để làm tiền đề và từng bước hiện thực hóa việc khôi phục Nhà máy cũng như lộ trình hợp tác, tận dụng cơ sở vật chất hiện có của Nhà máy, phát triển thị trường, PVTex đã ký kết hợp đồng gia công sợi DTY với đối tác APH/AST và có hiệu lực từ ngày 1-11-2018.
Hiện PVTex đang tiếp tục thực hiện đàm phán với đối tác về nội dung hợp đồng hợp tác SXKD.
Kết quả của việc thực hiện Phương án giải cứu, khôi phục hoạt động của Nhà máy.
Trong quá trình triển khai, PVTex và các cổ đông luôn quán triệt, bám sát và nỗ lực tối đa triển khai các công việc theo Đề án và Kế hoạch hành động, các chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo, các cấp thẩm quyền. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu cũng như báo cáo các vướng mắc trong quá trình triển khai để có ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Nhờ đó mà PVTex đã có những biến chuyển tích cực.
Cho đến nay, PVTex đã thực hiện xong 6/8 nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo tại Quyết định số 4269/BCĐDADNCT ngày 14-11-2017, các nhiệm vụ còn lại đang được rốt ráo thực hiện để sớm hoàn thành.
Toàn bộ công việc triển khai giải cứu Nhà máy đã được triển khai đúng chủ trương, phương án được phê duyệt, đúng theo quy định cùng với nhiều phương án, giải pháp sáng tạo, đem lại kết quả thiết thực, nhà máy được bảo quản tốt, đã vận hành được một phần, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường.
Quá trình sản xuất, kinh doanh của PVTex bảo toàn được vốn, người lao động có công ăn việc làm và dần lấy lại niềm tin của các khách hàng, đối tác. Việc cập nhật xây dựng kế hoạch dài hạn – 5 năm song song với đàm phán hợp đồng vận hành đang được triển khai tích cực.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, gian nan để tiếp tục giải cứu dự án như đã đề cập ngay từ đầu, các diễn biến bất lợi của thị trường, các khó khăn về nguồn nhân lực, khó khăn về vốn, khó khăn về cơ chế chính sách…vẫn luôn hiện hữu….
Với tính chất và đặc thù như vậy, rất cần sự chia sẻ, động viên và hiểu đúng của toàn thể xã hội, điều đó sẽ tạo động lực lớn lao cho công cuộc giải cứu đi đến thành công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận