Đồi bị cạo trọc phân lô, bán nền ở Lâm Đồng: 'Không thể nói là đúng quy trình'
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc xin hiến đất làm đường rồi phân lô, bán nền trên đồi chè ở Lâm Đồng là trái luật, không thể nói là đúng quy trình.
Loạt bài phản ánh của VTC News về việc hàng trăm quả đồi ở Bảo Lâm, Lâm Đồng đang bị các doanh nghiệp núp bóng cá nhân xin hiến đất làm đường để phân lô tách thửa, bán thu lời khiến dư luận bức xúc.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia khẳng định, hành vi sai trái này nguy cơ tạo cơn sốt ảo, giá trị ảo cho thị trường bất động sản địa phương.
Phân lô, bán nền tự phát là sai luật
Liên quan đến hình thức phân lô tách thửa, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - khẳng định, cách phân lô bán nền tự phát đều là trái pháp luật.
“Để có một dự án chia lô bán nền, chủ đầu tư phải lập dự án sao cho phù hợp quy hoạch, định giá đất phải nộp cho nhà nước và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tất cả những hành vi tự vẽ ra hạ tầng, tiện ích công cộng đều là trái pháp luật”, ông Võ nhấn mạnh.
"Đất trồng cây lâu năm mà anh cạo trọc, phá hết cây đi, tất nhiên là đất của anh thì anh có thể phá, anh không thích trồng cây này thì anh phá đi trồng cây khác. Tuy nhiên, anh chỉ có thể trồng cây khác được thôi chứ làm sao mà làm đường, làm vỉa hè hay tách thửa. Mà phải xem ai cho tách, cho tách là sai", ông Võ nói thêm.
GS Võ phân tích, dù có là một đồi trồng cà phê, trồng chè thì nó cũng phải hình thành thửa đất trồng cây lâu năm chứ không thể là cái đồi không mà không có ranh giới nào cả. "Những cái đồi mà không có ranh giới nào cả chính là anh đang lấn chiếm đất công. Còn việc anh gom của nhiều cá nhân lại, tách hàng chục ha để rao bán thì phải xem anh đã làm thủ tục hợp thửa chưa, ai đã duyệt cho anh hợp thửa", chuyên gia nói.
Từ một quả đồi trồng cà phê, chè, anh cạo hết cây và vẽ ra làm những đường nhựa rất lớn có cả vỉa hè luôn thì như thế là không được rồi. GS. Đặng Hùng Võ
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Bùi Quang Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự - cho hay, quy trình cấp phép dự án hiện nay rất chặt chẽ. Đầu tiên doanh nghiệp phải làm công văn lên Sở Kế hoạch và Đầu tư, rồi căn cứ quy hoạch phát triển vùng, trình lên UBND tỉnh xin ý kiến, UBND tỉnh đồng ý sẽ gửi hồ sơ cho các Bộ, ban ngành khác ý kiến. Khi nghiên cứu tính khả thi của dự án mới có văn bản trả lời doanh nghiệp để triển khai.
Ông Hưng cũng khẳng định, việc chuyển đổi mục đích đất từ đất nông nghiệp sang đất ở phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được Thủ tướng phê duyệt. Cụ thể, các khu đất trước khi chuyển đổi phải xem có phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hay không. Nếu khu vực đó được quy hoạch làm khu đô thị, nhà ở thì mới được chuyển đổi.
Còn đất nông nghiệp nếu chuyển sang đất ở thì sẽ có tỷ lệ bao nhiêu % được làm nhà, chứ không phải san phẳng cả một quả đồi như báo chí phản ánh. "Làm như vậy chắc chắn là sai quy hoạch", ông Hưng nhận định.
Trước đó, trả lời VTC News về hình thức "Xin hiến đất mở đường = xin chuyển mục đích sử dụng đất = xin tách thửa" này, UBND huyện Bảo Lâm khẳng định "đúng quy trình", quy định của pháp luật. Cụ thể, UBND huyện Bảo Lâm cho rằng, trong thời gian qua, đơn vị chỉ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng của các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và "chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn".
Việc hiến đất làm đường trong thời gian qua mà UBND huyện đã giải quyết là của các hộ gia đình, cá nhân, nhằm tạo mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng. Sau đó các hộ thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa. Sau khi đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các hộ dân đã giao, ủy quyền cho một số doanh nghiệp, công ty bán hàng.
Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định "không thể nói là đúng quy trình".
"Ban đầu người ta sẽ xin hiến đất để mở đường, các cấp chính quyền cũng sẽ duyệt hồ sơ là hiến đất mở đường mới theo nhu cầu người dân. Khi được duyệt chủ trương hiến đất làm đường rồi thì khoảng một vài tháng sau người ta lại làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lại làm hồ sơ xin tách thửa vì đã có đường giao nối...
Cứ theo quy trình đó, khu đất được tách ra hàng chục, hàng trăm lô. Nếu mà làm như quy trình này thì rõ ràng là chính quyền sai chứ không thể nói là đúng quy trình", ông Võ nói.
Ông Võ phân tích, đây không phải là lách luật mà rõ ràng là trái luật: "Lách luật thì vẫn là đúng luật nhưng lách qua khe hở, còn đây là trái luật, bởi anh mua 2 thửa, anh hợp với nhau thì anh phải làm thủ tục hợp thửa. Từ một quả đồi trồng cà phê, chè, anh cạo hết cây và vẽ ra làm những đường nhựa rất lớn có cả vỉa hè luôn thì như thế là không được rồi. Nếu huyện chấp thuận cho việc mở đường, tách thửa từ quả đồi đất nông nghiệp thì tỉnh phải vào cuộc để xử lý huyện".
Ai phải chịu trách nhiệm?
Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, cần làm rõ ai cấp chuyển đổi: "Nếu đất đó được chuyển đổi thì Sở Tài nguyên và Môi trường sai, còn nếu không được cấp thì người dân sai".
Còn GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, đó là trách nhiệm của địa phương: "Đó là các hành vi sai hoàn toàn với pháp luật đất đai. Nếu đã trình lên cấp huyện, cấp huyện đồng ý thì cấp huyện sai, tỉnh phải vào cuộc. Nếu hộ gia đình, cá nhân làm thì cấp huyện phải chịu trách nhiệm, còn nếu một doanh nghiệp làm thì cấp tỉnh chịu trách nhiệm, mà đó phải là dự án. Cần phải mạnh tay xử lý, thậm chí có thể thu hồi lại toàn bộ đất".
Ông Võ cũng dẫn giải vụ việc này với hành vi sai phạm của Công ty bất động sản Alibaba trước đó. “TP.HCM đã xử lý Alibaba theo khung hình sự. Công an tỉnh Lâm Đồng cũng cần học tập kinh nghiệm này để điều tra, xử lý tình trạng sai phạm tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Ông Võ bày tỏ quan điểm cần truy cứu trách nhiệm hình sự do vụ việc xảy ra trên quy mô lớn, làm hỏng nguồn lực đất đai. Ngoài ra, chắc chắn tác động lớn vào địa phương, nguy cơ tạo cơn sốt ảo, giá trị ảo cho thị trường bất động sản địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận