Độc quyền vaccin corona thuộc về ai?
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra (dịch Covid-19) đang diễn biến cực kỳ phức tạp và khiến mọi người lo sợ. Mỗi ngày mỗi giờ số người chết và nhiễm bệnh mới vẫn phát sinh liên tục. Các chuyên gia trên thế giới đang chạy đua với thời gian để chế tạo ra vaccin phòng bệnh này.
Ngày 21-1-2020, Viện Virus học Vũ Hán nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế cho hợp chất remdesivir và chloroquine, một loại thuốc có tác dụng kiểm soát virus corona chủng mới. Tuy nhiên, theo thông tin từ Công ty Gilead, trụ sở tại thành phố Foster bang California (Mỹ), remdesivir đã được công ty này đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế tại nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc nhưng đều chưa được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền.
Như vậy, ngoài cuộc đua chế tạo vaccin cho mục đích cấp thiết nhất là xử lý đại dịch, các công ty, viện nghiên cứu trong ngành dược còn tạo ra một cuộc đua khác về việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế đối với các loại thuốc, vaccin phòng chữa bệnh do virus corona chủng mới gây ra.
Việc tạo ra một loại vaccin không phải đơn giản, nguồn lực tài chính và thời gian đầu tư vào nghiên cứu chế tạo vaccin là vô cùng lớn. Tuy nhiên, một loại thuốc được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế sẽ mang lại cho chủ sở hữu của nó độc quyền sử dụng. Có nghĩa là chỉ có chủ sở hữu mới được phép sử dụng sáng chế; nếu tổ chức, cá nhân khác muốn sử dụng phải có sự cho phép của chủ sở hữu.
Cụ thể, chủ sở hữu được độc quyền sản xuất, mua bán, cấp quyền cho các công ty dược sản xuất, mua bán (license sáng chế)... Đây là khoản lợi nhuận khổng lồ cho cả cá nhân, tổ chức và danh tiếng cho ngành y tế của quốc gia độc quyền.
Hiện tại, vaccin nói trên chưa được nghiên cứu thành công, nhưng theo pháp luật sở hữu trí tuệ, tương lai chúng ta có thể xác định quyền độc quyền sáng chế vaccin thuộc về ai theo các nguyên tắc như sau:
1. Nguyên tắc lãnh thổ: Một sáng chế chỉ được bảo hộ tại một đất nước hoặc một vùng lãnh thổ nơi sáng chế đó được đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ. Nếu Công ty Gilead chỉ đăng ký bảo hộ sáng chế remdesivir tại Mỹ mà không đăng ký tại Trung Quốc thì Công ty Gilead chỉ được độc quyền sáng chế remdesivir tại thị trường Mỹ. Thị trường Trung Quốc có thể được tự do khai thác hoặc được độc quyền bởi cá nhân, tổ chức khác.
2. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên: Nếu Công ty Gilead đăng ký độc quyền sáng chế remdesivir tại Trung Quốc vào năm 2016 và Viện Virus học Vũ Hán lại nộp đơn tại Trung Quốc vào ngày 21-1-2020, thì theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, Công ty Gilead sẽ được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế này.
Thông thường, theo pháp luật sở hữu trí tuệ thì cơ quan sở hữu trí tuệ chỉ cấp văn bằng cho một đơn đăng ký sáng chế duy nhất, nếu có nhiều đơn nộp cùng một ngày thì các chủ đơn sẽ phải thỏa thuận chọn cấp văn bằng cho một đơn, nếu không thỏa thuận được thì cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ từ chối cấp văn bằng cho tất cả các đơn.
3. Nguyên tắc quyền ưu tiên: Trong một thế giới phẳng, với hoạt động kinh doanh đa dạng, một sáng chế ở Mỹ muốn khai thác độc quyền thị trường Trung Quốc là điều cả doanh nghiệp và chính phủ Mỹ mong muốn. Như vậy, các hiệp định thương mại, điều ước quốc tế xây dựng những nguyên tắc chung để cùng nhau tạo điều kiện cho hoạt động thương mại toàn cầu phát triển.
Với Công ước Paris, nếu một công ty Mỹ nộp đơn đăng ký sáng chế vaccin ngừa virus corona chủng mới vào ngày 1-2-2020 tại Mỹ, một công ty Trung Quốc nộp đơn đăng ký sáng chế này vào ngày 1-3-2020 tại Trung Quốc, sau đó đến ngày 1-4-2020 công ty Mỹ mới nộp đơn đăng ký sáng chế tại Trung Quốc, thì theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên nói ở trên, công ty Trung Quốc sẽ được cấp văn bằng bảo hộ tại thị trường Trung Quốc vì công ty Trung Quốc nộp đơn tại Trung Quốc trước công ty Mỹ.
Tuy nhiên, với việc Trung Quốc và Mỹ đều là thành viên của Công ước Paris, công ty Mỹ sẽ có 12 tháng từ ngày nộp đơn đầu tiên tại Mỹ là ngày 1-2-2020 để xin hưởng quyền ưu tiên cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho mình. Theo đó, nếu công ty Mỹ xin hưởng quyền ưu tiên thì công ty này sẽ được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế vaccin ngừa virus corona chủng mới tại thị trường Trung Quốc.
Việc độc quyền của chủ sở hữu phải đảm bảo “Nguyên tắc cân bằng lợi ích” mà ở đó, vì lợi ích xã hội họ có thể bị hạn chế quyền của mình. Có thể công ty Mỹ được độc quyền sáng chế tại Trung Quốc, nhưng với tình trạng dịch bệnh toàn cầu, họ buộc phải cấp quyền cho các công ty khác sản xuất vaccin để đáp ứng nhu cầu của thế giới với một mức giá hợp lý dù có thể họ không muốn. Tất nhiên, nếu tình trạng khẩn cấp toàn cầu không còn, quyền độc quyền của chủ sở hữu sẽ không còn bị giới hạn nữa.
Trên đây là giả thiết trong trường hợp cá nhân, tổ chức nghiên cứu thành công vaccin quyết định đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế. Tuy nhiên, có những nhà nghiên cứu sẵn sàng công bố ngay lập tức tất cả các nghiên cứu của mình cho xã hội vì mục đích nhân đạo, họ không thực hiện đăng ký độc quyền loại vaccin này, như vậy chúng sẽ trở thành một tài sản chung của toàn xã hội mà không có chủ sở hữu độc quyền. Toàn xã hội sẽ được tự do sử dụng, các công ty dược được tự do sản xuất và phân phối vaccin tới người dân.
Dù có cuộc đua giành độc quyền hay không, thời điểm này, chúng ta cầu mong các nhà nghiên cứu, các quốc gia bỏ qua lợi ích riêng, vì cộng đồng, vì xã hội mà chia sẻ dữ liệu, thông tin nghiên cứu để cả thế giới chung tay sớm tìm ra vaccin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra, nhằm giảm thiểu tối đa sự lây nhiễm, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận