Độc quyền kinh doanh vàng miếng SJC: Làm 'méo mó' thị trường
Độc quyền kinh doanh vàng miếng SJC đã giúp giá bán mỗi lượng vàng cao hơn giá vàng thế giới và vàng của doanh nghiệp trong nước từ 15 đến 17 triệu đồng/lượng. Sự chênh lệch này có dấu hiệu làm tạo ra sự cạnh tranh, thậm chí làm “méo mó” thị trường kim loại quý.
Trả lời trước Quốc hội (QH), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nói rằng, nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới ở mức cao là do nhiều năm qua, NHNN không nhập khẩu vàng, khan hiếm nguồn cung. NHNN đã chuẩn bị kịch bản, nếu cần thiết sẽ can thiệp thị trường vàng.
Là hàng hoá đặc biệt, chất lượng của vàng tính bằng hàm lượng vàng nguyên chất trong cấu tạo. Vàng miếng SJC có hàm lượng vàng nguyên chất trong cấu tạo lên đến 99,99% (thường được gọi là tuổi vàng 9999). Theo thông lệ quốc tế, tuổi vàng là căn cứ để thẩm định chất lượng, giá trị của vàng. Dù nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP, nhiều mặt hàng của Việt Nam như xăng dầu đã liên thông và lên xuống theo giá thế giới. Tuy nhiên, thị trường vàng – một trong những kênh đầu tư truyền thống của người dân đang tồn tại nghịch lý: Cùng loại vàng có chất lượng như nhau nhưng với ưu đãi nhờ độc quyền kinh doanh vàng miếng SJC, đã khiến giá bán mỗi lượng vàng cao hơn gần 20% so với các loại vàng khác và so với giá vàng thế giới. Trong đó, nguyên nhân của nghịch lý trên là quy định độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC theo Nghị định 24.
Tại Kỳ họp thứ 4, QH khoá XIII, bà Bùi Thị An, Đoàn đại biểu QH Thành phố Hà Nội đã chất vấn đại diện NHNN về tình trạng chênh lệch giá này. Thời điểm đó, bà An cho biết, từ cuối năm 2011, sau khi Thống đốc NHNN tuyên bố, SJC trở thành thương hiệu vàng độc quyền của Nhà nước và đặt mục tiêu kéo giá vàng trong nước lên mức cao hơn giá vàng thế giới từ 300 – 400 nghìn đồng/lượng. Thế nhưng, từ khi Nghị định 24 ra đời, khoảng chênh lệch này càng cao hơn, lên tới 3,74 triệu đồng/lượng (vào năm 2013). Các thương hiệu vàng khác trong nước (không phải SJC) có cùng hàm lượng 99,99 đều bị mất giá. Việc SJC độc quyền, thâu tóm toàn bộ việc gia công, kinh doanh vàng miếng và tự quyết định giá mua bán (phớt lờ giá thế giới) đang làm lợi cho ai? Có lợi ích nhóm ở đây hay không?
Gần 10 năm sau, tại kỳ họp thứ 3, QH khoá XV, các đại biểu tiếp tục chất vấn lãnh đạo NHNN về sự chênh lệch giá giữa vàng miếng SJC trong nước và thế giới lên 15-17 triệu đồng/lượng. Thậm chí, có thời điểm, khoảng cách chênh lệch này lên tới gần 20 triệu đồng lượng (tháng 3/2022). Trong đó, một số đại biểu QH phản hồi, tranh luận và không đồng tình với khẳng định tiếp tục thực hiện Nghị định 24 của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An thẳng thắn nêu: cách chúng ta đối xử với thị trường vàng và áp dụng thực hiện như Nghị định 24 đã lỗi thời, cần thay đổi. Chúng ta không khuyến khích “vàng hóa”, nhưng phải bảo đảm quyền lợi cho người dân, cũng như bảo đảm công khai, minh bạch thị trường vàng.
Tại nhiều hội thảo, chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp cũng kiến nghị sửa đổi Nghị định 24 theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thể sửa đổi do vướng nhiều quy định. Chỉ khi nào cởi bỏ được “chiếc áo” độc quyền vàng miếng, thị trường vàng mới thực sự bình thường, đảm bảo quyền lợi cho dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận