Độc đáo nhà cổ 100 cột cả trăm tuổi ở xứ sở sen hồng miền Tây
Nhiều căn nhà cổ ở miền Tây với lối kiến trúc độc đáo vẫn đang tồn tại. Trong số đó, phải kể đến ngôi nhà 100 cột tại xứ sở sen hồng – Đồng Tháp. Với tuổi đời trên 100 năm, nhưng ngôi nhà vẫn giữ được sự hoàn hảo vốn có.
Nằm khuất sau những rặng cây, một ngôi nhà với lối kiến trúc độc đáo, cổ kính hiện ra. Một nét đẹp nhuốm màu thời gian, với những hàng cột gỗ uy nghiêm thẳng tấp. Chủ nhân của ngôi nhà này ông Lê Minh Tồn (78 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Ông Tồn là cháu đời thứ tư của ông Lê Văn Nhẫn (nhiều người gọi là Cả Nhẫn) - người đứng ra xây cất ngôi nhà này
Ông Tồn cho biết: “Tính đến nay, đã có 6 thế hệ của gia đình sinh sống trong ngôi nhà này. Dù trải qua thời gian và chịu nhiều sự tác động, thế nhưng ngôi nhà vẫn giữ nguyên được lối kiến trúc xưa, trong từng nét chạm trổ. Tôi chỉ nghe nói lại ngôi nhà đã trên 100 năm”.
Đây là kiểu nhà được dân dan gọi là nhà chữ đinh trăm cột. Ảnh: M.A.
Sở dĩ được gọi là nhà 100 cột do có 100 cây cột đỡ mái ngói quanh ngôi nhà, kiểu nhà này dân gian gọi là nhà chữ đinh trăm cột. Trải qua thời gian, những hàng cột nhỏ ít nhiều chịu nắng mưa, xuống cấp, phần vì ảnh hưởng đến sinh hoạt nên đã được dỡ bỏ, hiện chỉ còn 80 cột.
Mặt chính nhà quay về hướng Đông Bắc với kết cấu bộ khung vững chãi, các cột được làm bằng gỗ căm xe nên rất chắc chắn, từng cột được xếp thành hàng dài song song theo chiều dọc và chiều ngang đứng chịu lực, ráp nối khít với thân kèo, đòn tay. Qua lối kiến trúc của ngôi nhà có thể thấy nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân ngày trước đạt trình độ thượng thừa. Bởi Toàn bộ hệ thống kèo được chạm nổi, chạm lọng rất công phu.
Từng đường nét được chạm trổ công phu, tinh tế. Ảnh: M.A.
Lộng lẫy và trang trọng nhất chính là gian nhà chính. Ở đây được trang hoàng, sắp đặt bài trí các nơi thờ phượng, bàn ghế, tranh liễn công phu, Mỗi vật dụng đều có thể xếp vào dạng cổ vật, tất cả được chạm khắc cẩn ốc xà cừ tinh tế.
Những hàng cột, đòn tay vẫn còn tốt dù đã trải qua hơn 100 năm. Ảnh: M.A.
Ông Tồn cho biết: “Tôi không biết có bao nhiêu thợ xây dựng, nhưng nội tôi nói làm 3, 4 năm mới xong ngôi nhà. Thợ chạm trổ thì ở nơi khác đến, nhiều người từ Huế vào. Từ trước một phần ngôi nhà được dùng làm nhà kho, nay được sửa lại để ở và làm nơi thờ phụng, còn kiến trúc thì được giữ nguyên. Gia đình cũng muốn gìn giữ cái cổ xưa, cây gỗ trong nhà chưa thấy hư hỏng”.
Dù có tuổi đời trên 100 năm, nhưng đến nay bộ khung ngôi nhà vẫn còn vững chãi, một phần nhờ vào kỹ thuật của người xưa, phần nữa là nhờ vào ý thức bảo quản của các thế hệ gia chủ. Tất cả gần như được giữ nguyên vẹn, từ tán kê chân cột đến bộ khung.
Ngôi nhà hiện là niềm tự hào của các thế hệ con cháu. Ảnh: M.A.
Hiện ngôi nhà cổ trăm cột này là nơi cư ngụ và sinh hoạt của các thế hệ sau ông cả Nhẫn. Các thành viên trong ngôi nhà trăm cột luôn cởi mở với khách đến thăm, và xem đó như một niềm tự hào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận