Doanh thu gần 4 tỷ USD của DOJI
Tập đoàn DOJI là doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 3 tại Việt Nam năm 2019 nhờ doanh thu mảng vàng bạc, đá quý tăng mạnh.
Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý. Theo VNR500, DOJI là doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 3 năm 2019 chỉ xếp sau Tập đoàn Vingroup và Công ty Thế Giới Di Động.
Dù hoạt động theo mô hình tập đoàn, nhưng hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý của DOJI tập trung chủ yếu ở các trung tâm kinh doanh và hàng chục chi nhánh DOJI trên cả nước.
Năm 2019, giá vàng thế giới lẫn trong nước đều tăng mạnh, đẩy doanh thu của Công ty mẹ DOJI lên tới 89.000 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với năm 2018. Dù có doanh thu lớn nhưng biên lợi nhuận của ngành kinh doanh vàng không cao, do đó công ty chỉ báo lãi ròng 150 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty ghi nhận doanh thu 63.189 tỷ đồng và lợi nhuận 82 tỷ đồng trong năm 2018. Còn năm 2017 các con số này lần lượt là 51.890 tỷ đồng và 36 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2019, Tập đoàn DOJI có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tăng thêm 1.000 tỷ đồng so với năm trước đó. Cơ cấu sở hữu của công ty trước đó tập trung vào gia đình ông Đỗ Minh Phú, chủ tịch Tập đoàn và các con: Đỗ Minh Đức và Đỗ Vũ Phương Anh.
Chưa hợp nhất các công ty con, tổng tài sản của DOJI đến cuối năm ngoái là 8.849 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho vàng bạc đá quý hơn 3.700 tỷ đồng và các khoản phải thu 1.613 tỷ đồng. Tập đoàn cũng ghi nhận giá trị đầu tư vào công ty con và công ty liên kết hơn 1.100 tỷ đồng.
Theo giới thiệu của DOJI, tập đoàn có 12 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, 5 công ty liên kết góp vốn và 50 chi nhánh, gần 200 trung tâm kinh doanh, cửa hàng trải dài trên toàn quốc.
Năm ngoái, để mở rộng hoạt động tập đoàn đã khánh thành Nhà máy sản xuất chế tác vàng và trang sức, với tổng diện tích hơn 10.000 m2 tại khu vực Hà Nội với gần 500 công nhân.
Đặc biệt, cuối tháng 4/2020, DOJI đã hoàn tất thương vụ mua lại Công ty Thể giới Kim Cương – một công ty có chuỗi trên 100 các cửa hàng, trung tâm bán hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên cả nước. Thương vụ thâu tóm nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh của DOJI sang mảng bán lẻ trang sức.
“Tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng” là chiến lược của DOJI nhiều năm nay. Trong quá khứ, tập đoàn này đã thực hiện nhiều thương vụ thành công như thâu tóm SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng năm 2006 – 2007, bán 95% cổ phần của Diana cho Unicharm (Nhật Bản) với mức giá gần 4.000 tỷ đồng năm 2011 sau đó đầu tư vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) năm 2012. Ông Đỗ Minh Phú – nhà sáng lập DOJI hiện đang là Chủ tịch TPBank.
Năm 2014, Tập đoàn DOJI bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bất động sản thông qua công ty thành viên DOJI Land. Dù mới chỉ xuất hiện vài năm, DOJI Land đã sở hữu quỹ đất rộng lớn. Trong đó có Khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6 ha, tổng số vốn đầu tư là 3.900 tỷ đồng; Dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence (TP Hạ Long, Quảng Ninh) với quy mô 4,77ha và tổng mức đầu tư 4.272 tỷ đồng. Hay dự án nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có quy mô 220ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Tại các thành phố lớn, Tập đoàn DOJI còn sở hữu nhiều toà nhà có vị trí đắc địa ở trung tâm như tòa nhà Ruby Tower (Quận 1, TP.HCM), tòa nhà Ruby Plaza (Quận Hai Bà Trưng); Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp (số 5 Lê Duẩn, Hà Nội).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận