Doanh thu dịch vụ di động: 76,6% vẫn từ 'a-lô', tin nhắn
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông di động chủ yếu đến từ các dịch vụ truyền thống như trên được xem là thách thức của lĩnh vực viễn thông hiện nay.
Cụ thể, theo báo cáo được đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2020 ngày 25/12 của Cục Viễn thông, năm 2019, doanh thu toàn ngành đạt 470.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018, tổng nộp ngân sách đạt 47.000 tỷ đồng, tăng 36,7% so với năm 2018.
Theo Cục Viễn thông đây là mức tăng trưởng ấn tượng thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ trong bối cảnh các dịch vụ viễn thông truyền thống đã ở trạng thái bão hoà.
Ngoài những điểm sáng về tăng trưởng doanh thu của toàn ngành, còn nhiều kết quả nổi bật được thực hiện trong năm qua, như Cục đã trình lãnh đạo Bộ ký giấy phép thử nghiệm 5G cho Viettel, VNPT, MobiFone; chuyển mạng giữ số sau hơn 1 năm triển khai đã có hơn 1 triệu thuê bao chuyển mạng thành công (hơn 82%); chủ động xử lý tình trạng SIM rác, tin nhắn rác.
Đồng thời đã xin chủ trương dừng công nghệ viễn thông di động mặt đất thế hệ cũ 2G ở Việt Nam tạo điều kiện thực hiện Đề án Chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử; ra Chỉ thị về tăng cường chia sẻ, dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông; chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông nâng cao tốc độ gói cước băng rộng với giá không đổi, nâng cao tốc độ truy nhập băng rộng di động hơn 35% và băng rộng cố định tăng hơn 65% so với năm 2018.
Thực hiện 13 cuộc thanh tra chuyên ngành với tổng số tiền xử phạt là 453.500.000 đồng; xử lý hơn 25.000 kiến nghị, phản ánh từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân qua văn bản, email, điện thoại…
Dù vậy, Cục Viễn thông cho rằng, lĩnh vực viễn thông hiện vẫn còn những thách thức như khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, một số quy định đã lạc hậu, cản trở sự phát triển của lĩnh vực; doanh thu dịch vụ di động vẫn dựa vào các dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại, SMS (chiếm 76,6%).
Mạng di động hiện cùng lúc duy trì 4 công nghệ (2G, 3G, 4G, 5G) khiến doanh nghiệp tốn kém chi phí vận hành, không tập trung được nguồn lực tham gia công nghệ di động thế hệ mới; cạnh tranh quá mức đã gây ra nhiều loại rác như SIM rác, cuộc gọi rác, vấn nạn quảng cáo, lừa đảo trên mạng di động...
Cục Viễn thông cũng cho biết ước tính vẫn còn 6,8 triệu SIM nghi vấn có thông tin không chính xác đang lưu thông (chiếm dưới 5% tổng số thuê bao đang hoạt động và giảm 17 triệu so với thời điểm tháng 10/2018).
Về kế hoạch năm 2020, Cục Viễn thông sẽ xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn mới 2020-2025; xây dựng chiến lược băng rộng quốc gia 2021-2025; xây dựng lộ trình và phương án dừng mạng 2G, thúc đẩy tiêu dùng dữ liệu, phát triển công nghiệp nội dung số, phổ cập smartphone;
Ngoài ra sẽ sớm cấp phép thương mại hoá 5G, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên triển khai mạng 5G; thúc đẩy thí điểm Mobile Money; xử lý triệt để SIM rác, cuộc gọi rác; nâng tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công đạt trên 90%...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận