Doanh thu dầu Nga giảm trong tháng 11 bất chấp sự gia tăng sản lượng
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết doanh thu dầu của Nga trong tháng 11 đã sụt giảm dù nước năng gia tăng sản lượng lên mức gần bằng thời điểm trước xung đột.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính Nga đã kiếm được khoảng 15,8 tỷ USD doanh thu dầu trong tháng 11 vừa qua. Đây là mức doanh thu dầu thấp thứ 2 trong năm nay của Nga. Trước đó, vào tháng 9, doanh thu dầu Nga giảm xuống mức thấp nhất là khoảng 14,7 tỷ USD.
Sự sụt giảm này diễn nay ngay cả khi Nga đã tăng sản lượng và xuất khẩu dầu thô lên 8,1 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4 sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine.
Đây được xem là một tín hiệu tích cực với các nước phương Tây, những người đang kỳ vọng hạn chế nguồn thu nhập của Điện Kremlin thông qua hoạt động xuất khẩu năng lượng - vốn là nguồn thu lớn nhất của Nga.
Doanh thu dầu Nga giảm trong tháng 11, xuống mức thấp thứ 2 trong năm. Ảnh: Reuters
Vào ngày 5/12, G7 và Liên mình châu Âu (EU) đã công bố mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga. Đây là một nỗ lực của phương Tây nhằm đạt được sự cân bằng giữa việc cắt giảm doanh thu của Nga và kiềm chế giá năng lượng. Vào ngày 14/12, giá dầu không phải của Nga ở mức 81 USD/thùng.
Những chuyên gia theo dõi ngành năng lượng đã đặt câu hỏi về hiệu quả của việc áp giá trần này vì dầu Nga được giao dịch với giá dưới 60 USD/thùng. IEA cho biết thêm, hỗn hợp dầu thô xuất khẩu Urals của Nga đã giảm xuống còn khoảng 43 USD/thùng vào đầu tháng 12.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mức giá trần này sẽ không có tác động đáng kể đến nền kinh tế của đất nước nhưng có thể gây hại cho thị trường năng lượng quốc tế và buộc Nga phải cắt giảm sản lượng.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự tức giận khi tập đoàn dầu mỏ Opec+ cắt giảm sản lượng xuống còn 2 triệu thùng/ngày (bpd) trong một quyết định do Nga và Ả Rập Xê Út dẫn đầu vào tháng 10.
IEA dự đoán sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 1,4 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Cơ quan này cho biết: "Mặc dù giá dầu thấp hơn là một cứu trợ đáng hoan nghênh cho người tiêu dùng phải đối mặt với lạm phát gia tăng nhưng tác động đầy đủ của các lệnh cấm vận đối với nguồn cung cấp sản phẩm và dầu thô của Nga vẫn còn phải xem xét".
IEA nói thêm rằng sự tăng trưởng về nhu cầu mua dầu trên toàn cầu sẽ chậm lại trong năm tới nhưng vẫn ở mức cao hơn 1,7% khi Trung Quốc phục hồi sau thời gian áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phong ngừa COVID-19.
Cơ quan dự đoán nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ giảm 400.000 thùng/ngày, xuống còn 15,4 triệu thùng/ngày trong năm nay trước khi tăng thêm gần 1 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022 đã tăng 2,3 triệu thùng/ngày so với năm ngoái và được dự đoán sẽ tăng 1,7 triệu thùng/ngày vào năm tới lên 101,6 triệu thùng/ngày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận