24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh thu các công ty dầu khí có thể thất thoát tới 1,000 tỷ USD trong năm nay

Dòng tiền sắp giảm mạnh, các quốc gia dầu mỏ đang thấm đòn

Theo phân tích của hãng nghiên cứu Rystad Energy, doanh thu của các công ty khai thác và sản xuất dầu khí (E&Ps) có thể thất thoát tới 1,000 tỷ USD trong năm 2020.

Rystad Energy cho biết trong năm ngoái, doanh thu của ngành công nghiệp khai thác và sản xuất dầu khí – bao gồm các ông lớn dầu mỏ – đạt 2.47 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, công ty này dự báo doanh thu năm nay có thể chỉ đạt 1.47 ngàn tỷ USD, giảm 40% so năm ngoái.

Đại dịch virus corona và các biện pháp phong tỏa theo sau đó đã khiến nhu cầu tê liệt và buộc các công ty phải cắt giảm chi tiêu cũng như hủy bỏ các dự án. Trước khi virus bắt đầu tác động đến các nền kinh tế, Rystad dự báo doanh thu của lĩnh vực E&P có thể đạt 2.35 ngàn tỷ USD trong năm nay.

Ngoài ra, doanh thu năm 2021 cũng được dự báo ở mức thấp hơn, vào khoảng 1.79 ngàn tỷ USD so với mức ước tính 2.52 ngàn tỷ USD trước đại dịch.

Doanh thu sụt giảm, câu chuyện chung cho hầu hết các ngành công nghiệp trong đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, rõ ràng đã tự phản ánh vào các chỉ số ngành trên thị trường chứng khoán. Đà sụt giảm quá mạnh đã khiến ngành năng lượng trở thành lĩnh vực nhỏ thứ 2 trong toàn bộ chỉ số S&P. Hiện tỷ trọng của ngành năng lượng trong chỉ số S&P chỉ chiếm 3%, so với mức 15% cách đây một thập kỷ và mức 30% trong năm 1980.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu sẽ giảm kỷ lục 9.3 triệu thùng/ngày trong năm 2020, khi tất cả các hoạt động (trừ lĩnh vực thiết yếu) tại nhiều nền kinh tế lớn buộc phải đóng cửa và hàng triệu người phải ở nhà trong thời gian chưa xác định. Du lịch hàng không tại Mỹ đã giảm 95% so với năm ngoái, qua đó phản ánh tình hình chung của ngành du lịch toàn cầu.

Giá dầu chuẩn quốc tế Brent hiện đã giảm hơn 60% trong năm nay xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm, và trong tháng 4 thị trường đã chứng kiến hợp đồng tương lai dầu thô có giá âm lần đầu tiên trong lịch sử khi thế giới cạn kiệt nơi chứa dầu, buộc các nhà sản xuất phải ngừng hoạt động tại các giàn khoan và đóng cửa hoạt động sản xuất.

Exxon đang cắt giảm chi phí đầu tư trên toàn cầu bớt 30%. Giám đốc điều hành (CEO) của Exxon, Darren Woods, dự báo nhu cầu dầu sẽ giảm từ 25%-30% trong trung hạn. Các nhà sản xuất dầu lớn khác như Chevron, BP, Shell và Saudi Aramco đều đã tuyên bố cắt giảm chi tiêu từ 20%-25% tại các chi nhánh trên toàn cầu. Trong tháng 4, Reuters cũng cho biết đến thời điểm này, các công ty dầu đã lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu bớt 54 tỷ USD.

Trong đó, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, với chi phí sản xuất cao hơn so với nhiều đối thủ nước ngoài, chiếm tỷ trọng lớn nhất tính tới thời điểm hiện tại với số giàn khoan và các dự án sụt giảm chóng mặt. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo sản lượng dầu tại Mỹ sụt giảm 1 triệu thùng/ngày còn 12.1 triệu thùng/ngày trong tuần trước, so với mức kỷ lục 13.1 triệu thùng/ngày vào giữa tháng 3.

Dòng tiền cho các công ty dầu cũng sắp giảm mạnh khi Rystad Energy ước tính dòng tiền mặt tự do cho lĩnh vực này sẽ giảm xuống mức 141 tỷ USD trong năm 2020, tức chỉ bằng 1/3 so với năm 2019. Tuy nhiên, Rystad Energy cho biết số liệu này dựa trên kịch bản giá dầu ở mức 34 USD/thùng trong năm 2020, vì thế rủi ro suy giảm vẫn còn rất lớn nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở các mức thấp như hiện tại.

Dù vậy, một số tổ chức vẫn còn lạc quan về bức tranh phục hồi của giá dầu, chẳng hạn như ngân hàng MUFG của Nhật Bản dự báo dầu Brent sẽ tăng lên mức 35 USD/thùng trong quý 3, 46 USD/thùng trong 3 tháng cuối năm và 49 USD/thùng vào đầu năm 2021, dù điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào tính hiệu quả của các biện pháp cách ly xã hội nhằm làm chậm sự lây lan của Covid-19 và tốc độ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.

Các quốc gia có doanh thu Chính phủ chủ yếu dựa vào lĩnh vực dầu mỏ và xuất khẩu năng lượng – bao gồm Nga, Iraq, Ả-rập Xê-út và nhiều quốc gia Trung Đông cũng như Trung Á khác – sẽ chịu áp lực rất lớn từ đà lao dốc gần đây của khoản doanh thu từ dầu mỏ.

Nhà phân tích Olga Savenkova của Rystad cho rằng: “Các quốc gia dầu mỏ như Nga và nhiều nước Trung Đông sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì ngân sách”.

“Trong ngắn hạn, các quỹ đầu tư quốc gia có thể ra tay giải cứu và dựa vào ngân sách để tránh áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh tay. Nhưng nếu môi trường giá thấp kéo dài thì những quốc gia này có thể rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính nghiêm trọng”, bà Savenkova cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả