Doanh nhân khốn đốn vì bị hoãn xuất cảnh
Hàng loạt doanh nhân bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế, trong đó có món nợ chưa đến một triệu đồng. Giới doanh nhân lo ngại tình trạng này tác động rất lớn đến việc đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Danh sách cấm xuất cảnh ngày càng dài
Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), vừa bị Cục Hải quan Khánh Hòa đề nghị hoãn xuất cảnh từ ngày 6/5 do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Trường hợp ông Thịnh bổ sung vào danh sách dài các doanh nhân nợ thuế bị cơ quan chức năng tạm dừng xuất cảnh. Mới đây nhất, một doanh nhân nợ thuế 997.000 đồng bị các cơ quan chức năng đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.
Vị này nằm trong danh sách hơn chục doanh nhân bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế.
Vào tháng 2/2024, một giám đốc doanh nghiệp khác tại TP.HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế hơn 1 triệu đồng tiền thuế.
Trên thực tế, danh sách các doanh nhân bị hạn chế xuất cảnh ngày càng dài ra và công bố công khai ở rất nhiều địa phương trên cả nước.
Ông Lê Văn Ơ, đại diện pháp luật Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trầm Hương Hoàng Sơn, bị nêu đích danh trong công văn đề nghị tạm hoãn xuất cảnh của Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1.
Còn ông Đỗ Mạnh Hưng, đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần nhựa An Phú cũng bị đề nghị hạn chế xuất cảnh do nợ thuế hơn 26,6 triệu đồng.
Danh sách các doanh nhân bị đề nghị hoãn xuất cảnh được đăng tải ở nhiều trang thông tin của hải quan các địa phương, được cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.
Hệ lụy rất lớn cho doanh nghiệp
Trao đổi với Viettimes, một nữ doanh nhân cho biết gần đây, bà đến cửa khẩu Móng Cái để sang Trung Quốc tìm kiếm đơn hàng, nhưng không được xuất cảnh được vì nợ thuế hơn 2 triệu đồng.
“Tôi không hề biết việc này vì không nhận được thông báo nợ thuế. Tôi vừa xấu hổ với các thành viên trong đoàn, vừa mất cơ hội đi tìm nguồn hàng để kinh doanh”, doanh nhân này nói.
Với trường hợp của Trung Nam, việc công khai đề xuất tạm hoãn xuất cảnh với Chủ tịch HĐQT chắc chắn sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng khó khăn tích tụ của họ.
Tập đoàn tư nhân lớn nhất trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo này đang gặp khó khăn do Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam bị dừng huy động tới 172MW từ tháng 9/2022 tới nay, tương ứng với khoảng 40% công suất, làm thiệt hại mỗi ngày khoảng 2 tỷ đồng, theo thông tin của Trung Nam.
Ở góc độ doanh nhân, hạn chế xuất cảnh là tin xấu với họ.
Ngay cả tin đồn cũng mang lại nhiều tai hại, mà trường hợp rõ nhất là ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank).
Đầu tháng tư vừa rồi xuất hiện tin đồn ông bị cấm xuất cảnh vì tham gia rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát. Báo chí ghi nhận chỉ trong vòng 30 phút đầu phiên sáng ngày 2/4, khi tin đồn được tung ra, STB đã giảm liên tục xuống dưới mốc 29.600 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm hơn 5,7%.
Ngay sau đó, ngân hàng Sacombank phải ra thông cáo khẳng định thông tin nêu trên hoàn toàn bịa đặt và vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank. Hôm qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát thông báo truy tìm ông Đặng Tất Thắng, người bị Sacombank tố cáo lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Có thể thấy rõ, tác động của việc hạn chế xuất cảnh là rất tai hại với cả doanh nhân và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đang trong thời kỳ “rất khó khăn”
Doanh nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “rất khó khăn”, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Trên diễn đàn Quốc hội, ông cho biết tình trạng trên được thể hiện qua số lượng doanh nghiệp giải thể trong 4 tháng đầu năm cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường (hơn 86.000 so với 81.000).
“Chưa bao giờ có những con số đó. Đi trên đường các cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa rất nhiều. Doanh nghiệp khó khăn đồng nghĩa là lao động và người dân cũng khó khăn và nợ xấu cũng bắt đầu tăng cao”, ông nói.
Suốt mấy năm khó khăn kể từ phong tỏa do Covid-19 đến nay, mức độ lạc quan của doanh nghiệp hiện đang ở mức thấp bậc nhất. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022.
Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà kinh tế không ủng hộ cách công khai thông tin cấm xuất cảnh với doanh nhân vì cách làm này “đang triệt hạ” doanh nghiệp Việt Nam.
“Việc hạn chế doanh nhân xuất cảnh làm mất đi cơ hội tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng mới. Rốt cuộc là các doanh nhân bị tước bỏ cơ hội làm ăn kinh doanh để vượt qua khó khăn, để trả nợ thuế”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận xét.
Còn chuyên gia Trần Hữu Huỳnh nhận xét việc hạn chế doanh nhân xuất cảnh cho thấy "quyền tài sản và quyền con người đang bị xâm hại". Theo ông Huỳnh, chế tài hạn chế quyền đi lại của doanh nhân là khác hẳn với chế tài phạt hành chính - mà lẽ ra các cơ quan nhà nước liên quan cần thực hiện.
Ông Thiên cho rằng với mức nợ thuế lên đến 163.866 tỷ đồng của riêng ngành thuế, thì số doanh nhân bị cấm xuất cảnh tiềm năng là rất nhiều.
“Doanh nghiệp nhà nước đang nợ thuế 17.032 tỷ đồng, theo công bố của Bộ trưởng Tài chính, thì có bao nhiêu doanh nhân bị cấm xuất cảnh? Tôi cho là sẽ rất nhiều? Đây là điều lợi bất cập hại”, ông Thiên nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận