Doanh nhân 40 năm sưu tập bảo vật quốc gia
Ngay từ những ngày đầu sưu tập cổ vật, ông Trần Đình Thăng đã định hướng theo đuổi hiện vật độc bản, tinh túy, đủ giá trị để thành bảo vật quốc gia.
Ông Thăng 65 tuổi, giám đốc doanh nghiệp chuyên sản xuất giày dép ở TP Hải Phòng, là một trong hai cá nhân ở Việt Nam sở hữu bảo vật quốc gia. Cá nhân ở Hà Nội sở hữu một bảo vật, riêng ông Thăng có 15. "Đây là niềm tự hào, hạnh phúc của tôi và gia đình, bởi công sức, kinh tế đầu tư cho cổ vật được Nhà nước ghi nhận", ông Thăng nói.
Từ nhỏ ông Thăng đặc biệt yêu thích lịch sử. Khi du học rồi làm việc ở Liên Xô, ông dành hầu hết thời gian rảnh đến các bảo tàng tìm hiểu về di sản văn hóa, lịch sử của nhân loại thay vì đi du lịch, vui chơi như những bạn cùng trang lứa.
Năm 25 tuổi, ông Thăng về nước, bắt đầu sưu tập cổ vật. Qua tìm hiểu, ông thấy các nhà sưu tập cũng như bảo tàng nước ngoài đánh giá cao đồ gốm men trắng triều Lý nên tập trung tìm kiếm nhóm này. Từ năm 1985 đến 1995, ông Thăng với sự đồng hành của ông Motohiko Yamazaki, Trưởng hãng Toyota tại Việt Nam và ông Nguyễn Bá Thanh Long, Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đã đi khắp Việt Nam mua hàng trăm hiện vật gốm thời lý.
"Thống nhất được kim chỉ nam là gốm trắng men sứ thời Lý sẽ là bảo vật quốc gia nên khi biết ở đâu có, tôi cùng cộng sự tìm mọi cách mua được. Từ hàng trăm hiện vật mua về, chúng tôi lọc ra chín món đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác, với kiểu dáng, họa tiết trang trí, màu men độc đáo, thuần Việt để làm hồ sơ đề nghị Chính phủ xem xét, công nhận là bảo vật quốc gia", ông Thắng kể.
Sau 40 năm sưu tập, ông Thăng chưa bao giờ thống kê mình có bao nhiêu hiện vật. Vừa qua, ông tiếp tục chọn ra 500 hiện vật, lập hồ sơ khoa học đăng ký với cơ quan nhà nước. Đó là những cổ vật bằng gốm, đồng, sứ, gỗ có niên đại từ thế kỷ 5 trước công nguyên tới thế kỷ 19.
500 hiện vật có hồ sơ được đặt tên là bộ sưu tập An Biên, chia thành bốn nhóm. Đó là cổ vật thuộc nhà nước Đại Việt, thế kỷ 11-19; cổ vật Trung Hoa, thế kỷ 9-19; cổ vật thời Bắc thuộc, thế kỷ 5 trước công nguyên đến thế kỷ 9 và bộ tượng Phật gỗ, đá thế kỷ 17-19. Hiện, bộ sưu tập được ông Thăng dành hẳn tòa nhà 5 tầng, mặt sàn rộng hàng trăm mét vuông để trưng bày. Đây cũng là nơi ông đón tiếp khách, tổ chức hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến cổ vật.
Bộ sưu tập An Biên từng được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Hải Phòng, đăng tải trên nhiều ấn phẩm báo chí trong nước. Mới đây, một số học giả người Australia đã đề nghị đăng tải bộ sưu tập trên tập san Mỹ thuật châu Á tại Hong Kong, ông Thăng cho biết.
Có những hiện vật giá gấp trăm lần khi mua nhưng ông Thăng không bán. "May mắn là tôi chưa từng quá cần tiền để phải bán cổ vật. Thỉnh thoảng tôi tặng cho một vài người. Đó đều là những người sưu tập có tầm văn hóa, yêu quý và nâng niu cổ vật ", ông Thăng chia sẻ.
Để có được kho cổ vật đồ sộ như hiện nay, ông Thăng nói đã mất nhiều công sức, thời gian cũng như tiền bạc. Hầu hết lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh, sản xuất giày dép, ông đều dành mua và bảo tồn cổ vật. Bởi ngoài đam mê thì việc sưu tập cổ vật còn là sự đầu tư vào tài nguyên văn hóa đất nước. Từ tài nguyên này, ông mở ra nhiều cơ hội trong cuộc sống và kinh doanh.
Chủ nhân bộ sưu tập An Biên cho hay, sản phẩm giầy dép của mình có được thị phần ở Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc nhờ một phần rất lớn từ sự chia sẻ, giúp đỡ của thương gia thích sưu tập cổ vật. "Có đối tác ở Nhật Bản khi biết tôi đam mê và sở hữu nhiều bảo vật đã thay đổi thái độ khi làm việc. Họ thân thiện, cởi mở hơn và còn cử chuyên gia sang nhà máy của tôi để giúp đỡ hoàn thiện kỹ thuật sản phẩm trước khi xuất khẩu", ông Thăng kể.
Là chủ nhân của những bảo vật quốc gia nhưng ông Thăng gần như không để hình ảnh của mình xuất hiện bên cạnh hiện vật. "Bảo vật quốc gia là tài sản quốc gia, tôi chỉ là người may mắn lưu giữ. Sau này, khi tôi không còn đủ sức khỏe để chăm sóc, hy vọng sẽ có một cá nhân hay tổ chức đủ tâm và tầm để kế thừa, phát huy giá trị kho di sản này", ông Thăng chia sẻ tâm nguyện.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Hải Phòng, đánh giá ông Thăng đã góp phần bảo vệ di sản văn hóa, tránh bị hủy hoại và ngăn chặn bán cổ vật trái phép ra nước ngoài. Việc nhà nước công nhận các hiện vật sở hữu tư nhân là bảo vật quốc gia cũng góp phần tôn vinh, khuyến khích cá nhân có công trong bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.
Trước đó ngày 30/1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia, trong đó có hai chiếc đĩa gốm men ngọc thời Lý; đĩa gốm men lam tím thời Lê sơ, lư hương gốm hoa lam thời Lê sơ và hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê, thế kỷ 16-17 thuộc bộ sưu tập An Biên. Hơn một năm trước, 9 hiện vật có từ triều Lý gồm bốn ấm, hai liễn và ba đĩa thuộc bộ sưu tập An Biên được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận