Doanh nghiệp xuất khẩu về đích nhưng vẫn... buồn
Nhu cầu từ thị trường thế giới tăng trở lại, đơn hàng không thiếu. Nhiều tín hiệu khả quan cho thấy xuất khẩu năm nay có thể vượt mốc 300 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết năm nay chỉ tăng trưởng doanh thu chút ít, lợi nhuận không được bao nhiêu, thậm chí còn thua lỗ vì đối mặt nhiều khó khăn.
Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin, năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020, thậm chí còn cao hơn năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19 (tăng 0,3% so với năm 2019).
Theo các doanh nghiệp dệt may, năm 2021 sẽ rất khác biệt so với năm 2020 vì tất cả các quốc gia, thị trường của chúng ta đã mở cửa trở lại và tốc độ tăng trưởng GDP cả Mỹ và châu Âu là rất khả quan, nhất là ở Mỹ có tốc độ tăng trưởng được dự báo là cao nhất trong 80 năm qua.
Đây là tiền đề quan trọng cho thấy cầu của thị trường đã quay trở lại, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu dệt may để có được những đơn hàng lớn. Năm 2021, ngành dệt may sẽ đạt tốc độ tăng trưởng quay trở lại như khi chưa có dịch.
Tuy nhiên, cũng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, lợi nhuận thu về không cao. Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã tăng công suất hoạt động lên 100%. Song, bài toán lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là tính toán làm sao để sản xuất mà không lỗ vốn, do giá nguyên liệu, chi phí sản xuất đội lên cao.
Với ngành thủy sản, đơn hàng không thiếu nhưng nỗi lo nhất của doanh nghiệp lại nằm ở nguồn cung nguyên liệu. Chia sẻ, Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho hay, tháng 12 là thời điểm doanh nghiệp "chạy nước rút" để thực hiện mục tiêu đề ra trong năm nay.
6 tháng đầu năm, hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp rất hiệu quả, nhưng 6 tháng cuối năm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. "Dự báo quyết toán hết quý IV năm nay, tăng trưởng doanh thu của Thủy sản Thuận Phước chỉ cao hơn một chút, còn hiệu quả lời lãi thì đúng là không thua lỗ cũng quý lắm rồi", ông Lĩnh giãi bày.
Chủ tịch Thuận Phước cho hay, chi phí sản xuất tốn kém, "nuốt và ăn mòn lợi nhuận" doanh nghiệp. Đến giờ này, may là doanh nghiệp không phá sản, thua lỗ. Bắt đầu từ quý IV, doanh nghiệp mới khởi động lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh theo điều kiện bình thường mới, hiện rủi ro xuất hiện F0 vẫn rình rập. Nếu trong phân xưởng xuất hiện F0 đồng nghĩa với việc hoạt động bị gián đoạn, lao động liên quan trong phân xưởng phải đi cách ly. Trong khi đó, nguyên liệu phục vụ cho chế biến thủy hải sản bị thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch nên nông dân giảm sản lượng thả nuôi.
"Giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng 30-40%, vận tải gấp 10 lần, "ăn" hết lợi nhuận doanh nghiệp", ông Lĩnh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận