Doanh nghiệp xuất khẩu tôm kỳ vọng vào EVFTA
Gặp khó khăn “kép” khi vừa chịu ảnh hưởng của dịch Corona khiến nhu cầu sụt giảm, vừa bị điều tra chống bán phá giá, doanh nghiệp xuất khẩu tôm đặt hết kỳ vọng vào EVFTA khi hiệp định này chính thức được thông qua.
Bức tranh xuất khẩu tháng 1 kém sắc
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2020 ước tính đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 11,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 15,7%.
Các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm mạnh là dệt may đạt 2,6 tỷ USD, giảm 21%; điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, giảm 22,4%; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 9,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,5 tỷ USD, giảm 6,5%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2020 với kim ngạch đạt 4,8 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 2,75 tỷ USD, giảm 32%; Liên minh Châu Âu (EU) đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30,8%...
Ðánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho rằng, nếu virus Corona được khống chế trong quý I/2020, ước tính kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 46,5 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, lâm sản giảm khoảng 29%, dệt may giảm 22%, thủy sản giảm 38%...
Kỳ vọng vào EVFTA
Không chỉ dịch bệnh mà các biện pháp chống bán giá của một số nước quy định cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ðơn cử như câu chuyện đang diễn ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC).
Ngày 14/1 vừa qua, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) ra thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Ðộ, đồng thời áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của MPC và công ty liên kết tại Hoa Kỳ.
“Chúng tôi hết sức bất ngờ vì trong quyết định này, CBP đã chỉ dựa trên các thông tin một chiều được thu nhập cung cấp bởi tổ chức AHSTEC - đại diện một nhóm các công ty đánh bắt và chế biến tôm tại Hoa Kỳ, là tổ chức từ lâu đã tham gia vào các vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam với tư cách nguyên đơn”, đại diện MPC nêu tại văn bản gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 21/1.
Ðể làm rõ hơn vấn đề này, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HÐQT MPC cho biết, thứ nhất, quyết định của CBP chỉ có tính chất tạm thời.
Theo đó, MPC được yêu cầu tạm nộp thuế chống bán phá giá áp dụng cho Ấn Ðộ (khoảng 10%) đối với các lô hàng nhập vào Hoa Kỳ.
Thứ hai, MPC không nhập tôm thành phẩm đông lạnh từ Ấn Ðộ để xuất sang Hoa Kỳ như trong cáo buộc. Công ty chỉ mua tôm nguyên liệu để đưa vào chế biến tại các nhà máy của Minh Phú theo quy trình nghiêm ngặt đã được chứng nhận và không mua tôm thành phẩm từ các nhà máy khác để xuất vào Hoa Kỳ.
Thứ ba, CBP cũng nêu rõ, đây mới là số liệu ban đầu và đang được kiểm chứng.
“Quyết định trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Minh Phú vào thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác. Mọi hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Công ty vẫn diễn ra bình thường.
Về phía MPC, chúng tôi sẽ chủ động hợp tác và minh bạch thông tin để tránh việc bị ảnh hưởng bởi các cáo buộc không có cơ sở nhằm vào Minh Phú nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung”, ông Quang nhấn mạnh.
Hiện Hoa Kỳ đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%. Ðể hạn chế sự phụ thuộc, các doanh nghiệp ngành tôm đang tích cực mở rộng thị trường.
Năm 2020 ngành tôm được kỳ vọng sẽ có những dấu hiệu tích cực khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua, tôm Việt sẽ rộng được xuất khẩu vào thị trường này.
Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Ngày 21/1/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua EVFTA. Để EU có thể thông qua EVFTA, Việt Nam phải tham gia thêm 3 công ước của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động. Tiếp theo, EP sẽ bỏ phiếu về EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) tại phiên họp diễn ra vào tháng 2/2020 ở Strasbourg, Pháp. Nếu thông qua, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Riêng IPA thì sẽ mất thời gian lâu hơn vì còn phải chờ từng nước trong EU thông qua.
Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ euro mỗi năm, theo số liệu của Phái đoàn Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận