menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Hạnh

Doanh nghiệp xã hội cần một lối đi riêng

Doanh nghiệp xã hội (DNXH) đang bị bó hẹp trong vô số rào cản về cơ chế, chính sách và thực sự cần một lối đi riêng hướng tới phát triển bền vững.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đang nhận ra rằng đầu tư theo cách bảo vệ môi trường và thúc đẩy hiệu quả xã hội không chỉ là một hành động nhân ái, từ thiện mà còn thể hiện sự hiểu biết kinh doanh tốt.

Những doanh nghiệp cân bằng nhiệm vụ xã hội với lợi nhuận có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến cộng đồng nơi họ hoạt động và có thể tạo ra giá trị cần thiết để phát triển công việc kinh doanh, đồng thời tăng cường tác động xã hội của họ.

Vẫn còn nhiều rào cản

Chia sẻ tại Hội nghị Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững ngày 28/8, bà Catherine Phương – Trợ lý Giám đốc UNDP Việt Nam cho biết 40% doanh nghiệp tạo tác động xã hội được thành lập từ năm 2015; 2016 là năm bùng nổ - 72% doanh nghiệp tạo tác động xã hội được đăng ký doanh nghiệp.

Thật thú vị khi chú ý xem có bao nhiêu doanh nghiệp tự công nhận là coi tác động xã hội là nhiệm vụ ưu tiên của mình nhưng chưa được đăng ký là doanh nghiệp xã hội theo pháp luật. Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM”, bà Cathrine Phương nói.

Doanh nghiệp xã hội cần một lối đi riêng

Bà Catherine Phương – Trợ lý Giám đốc UNDP Việt Nam

Hầu hết các DNXH có quy mô nhân lực nhỏ: 70% doanh nghiệp có dưới 20 nhân viên. Khu vực này gồm nhiều tầng lớp xã hội, với 74% công nhân đến từ nhóm người thiệt thòi trong xã hội và 90% là người dân địa phương.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Trung ương, ở Việt Nam, Luật doanh nghiệp 2014 đã chính thức hóa DNXH nhưng thực sự thì DNXH tồn tại trước khi có luật pháp, trước khi khái niệm DNXH có trong luật. Doanh nghiệp xã hội chính là phát triển bền vững, mỗi doanh nghiệp đều mang một câu chuyện kinh doanh, có tính chất pháp lý và có triết lý riêng, bắt đầu từ vấn đề xã hội, đưa ra giải pháp kinh doanh cho xã hội và đó chính là giải pháp phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp, công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển DNXH vẫn bằng không, khó khăn chồng khó khăn. “Thành lập DNXH khó hơn thành lập doanh nghiệp thông thường vì cơ quan nhà nước rất ngại cấp một cái gì đó mới”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Doanh nghiệp xã hội cần một lối đi riêng

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương tại Hội nghị Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững

Một trung tâm giáo dục cho trẻ tự kỷ chia sẻ các thủ tục khi thành lập trung tâm rất rắc rối và phải có chi phí mới suôn sẻ. Đây là trung tâm mang tính chất xã hội, giải quyết một vấn nạn xã hội, nhưng dường như những chính sách ưu đãi vẫn chưa được thiết kế. Chẳng hạn về chính sách bảo hiểm xã hội, trung tâm lo lắng nếu năm tới chi phí bảo hiểm tăng lên thì sẽ phải thu của học sinh nhiều hơn. Như vậy từ hành động nhân ái giúp đỡ người khó khăn không còn giữ đúng bản chất của nó và những người vốn đã khó nay lại càng khó hơn.

Lối đi nào cho DNXH?

Mục tiêu phát triển bền vững là một trong những tham vọng của Chương trình nghị sự năm 2030 được đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Đó là vai trò then chốt được công nhận cho khu vực tư nhân, để hợp tác với Chính phủ và các tổ chức xã hội, hỗ trợ thúc đẩy thay đổi cũng như đẩy nhanh quá trình tác động xã hội.

Theo các Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện của Việt Nam về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại Diễn đàn chính trị cấp cao hồi tháng 7 năm 2018, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về ngân sách trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, “Việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi nguồn tài chính lớn trong khi Ngân sách Nhà nước hạn chế”

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, bà Catherine Phương cho rằng: Thứ nhất cần chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn và các nguồn lực tài chính khác, bao gồm tăng cường những biện pháp khuyến khích mạnh mẽ hơn sử dụng thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp để phát triển khu vực DNXH; đồng thời thiết lập các tiêu chí cụ thể để xác định các doanh nghiệp xã hội, qua đó cho phép ưu tiên tài chính hướng đến mục tiêu cụ thể hơn.

Thứ hai là chính sách hỗ trợ phát triển tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô doanh nghiệp tạo tác động xã hội: Hỗ trợ các DNXH tham gia vào các quy trình mua sắm công; Tăng cường kết nối giữa các DNXH và khu vực tư nhân rộng hơn; Nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của khu vực DNXH.

Thứ ba là về xây dựng năng lực, cần đào tạo cho những quan chức Chính phủ về thúc đẩy phát triển khu vực DNXH, phát triển các nền tảng học tập điện tử, thiết lập các mô hình vườn ươm khởi nghiệp và mô hình tăng tốc khởi nghiệp cho DNXH.

Cuối cùng là cần phải tăng cường điều phối để thúc đẩy đào tạo về khởi nghiệp và sáng tạo xã hội thông qua các cơ sở giáo dục. Nếu có thể, Việt Nam nên thành lập một cơ quan thuộc Chính phủ, tập trung vào phát triển khu vực doanh nghiệp xã hội và mạng lưới đại diện cho khu vực DNXH.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Phan Đức Hiếu nói với vai trò là một trong những người chủ trì soạn thảo Luật DN 2014, Ban soạn thảo đã cố gắng thiết kế nhiều chính sách để thúc đẩy DNXH, như việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lợi nhuận giữ lại của những khoản tài trợ cho DNXH được tính vào chi phí doanh nghiệp cho tài trợ. “Chúng ta cần lên tiếng, cần có những diễn đàn để thúc đẩy DNXH phát triển. Vì DNXH chính là cách thức phát triển bền vững”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả