Doanh nghiệp Việt tăng cường xuất khẩu qua Amazon
Tiếp cận được với sàn thương mại điện tử Amazon sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, qua đó mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và phát triển sản xuất kinh doanh.
Nghiên cứu của Statista cho thấy, Amazon là nhà bán lẻ thương mại điện tử (TMĐT) phổ biến nhất tại Hoa Kỳ hiện nay và đứng đầu về doanh số ở thị trường này. Tính đến tháng 2/2020, Amazon chiếm tới 38,7% tổng doanh số bán lẻ TMĐT tại Mỹ. Đồng thời, đây cũng là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới với giá trị thương hiệu vượt 415 tỷ USD vào năm 2020.
Hiện nay, Amazon có 18 website trên thế giới, sử dụng 27 ngôn ngữ khác nhau, tiếp cận khách hàng ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hơn 300 triệu khách hàng và hơn 100 triệu thành viên Prime trên toàn cầu; 175 trung tâm kho bãi, 40 máy bay chở hàng và 100.000 đơn vị Amazon Robotic. Vì vậy, tiếp cận được với sàn TMĐT Amazon sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, qua đó mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bà Nguyễn Phương Trinh, Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Vietnam đã có những nhận định về xu hướng thị trường và ngành hàng tiềm năng, cũng như khuyến nghị về một số sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao và các yêu cầu về chất lượng liên quan khi doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon. Theo đó, khi lựa chọn sản phẩm để bán hàng trực tuyến, người bán hàng cần phải xem xét các yếu tố như sự tăng trưởng, tính thời vụ, thương hiệu, yêu cầu về chất lượng… của sản phẩm và phân khúc người tiêu dùng mà doanh nghiệp hướng tới.
Ngoài ra, các DN cũng cần lưu ý một số ngành hàng tiêu biểu, khá “hút” hàng được bán trên Amazon có mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe gia đình, sản phẩm cho em bé, thiết bị chăm sóc cá nhân, tạp hóa thực phẩm… Năm 2019, ngành hàng mỹ phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe gia đình và thiết bị chăm sóc cá nhân có tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ TMĐT lớn thứ hai ở Hoa Kỳ, đạt 53,12 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2018, và dự kiến đến năm 2022 sẽ đạt 85,52 tỷ USD. Đồ dùng cho mẹ và bé có tốc độ phát triển rất nhanh trong TMĐT. Ước tính đến năm 2026, doanh số sẽ đạt 11 tỷ USD. Ngành hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong TMĐT của Hoa Kỳ là tạp hóa thực phẩm. Năm 2019, doanh số bán hàng TMĐT thực phẩm và đồ uống của Hoa Kỳ dự kiến đạt 22,63 tỷ USD và sẽ đạt 40 tỷ USD vào năm 2022.
“Các DN nên chú ý lựa chọn thời điểm phù hợp để đẩy mạnh hoạt động bán hàng của mình. Ví dụ như các sản phẩm trang điểm làm đẹp, tạp hóa thực phẩm, dụng cụ chăm sóc sức khỏe gia đình, chăm sóc cá nhân thì tiêu thụ tốt vào hầu hết các tháng trong năm. Còn đối với sản phẩm cho mẹ và bé, thời điểm tiêu thụ tốt là vào ngày của Mẹ (giữa tháng 4 - giữa tháng 5), ngày Thành viên Prime (tháng 7), dịp cuối năm và Giáng sinh (tháng 11 - tháng 12)”, bà Trinh chia sẻ.
Một số chuyên gia thông tin thêm, đối với đồ trang trí và nội thất, doanh số bán hàng trực tuyến ở Mỹ năm 2020 dự kiến đạt gần 76,8 tỷ USD, chiếm 25,5% tổng doanh số bán lẻ của Mỹ đối với mặt hàng này. Ước tính đến năm 2024, doanh số bán hàng trực tuyến sẽ đạt 126 tỷ USD, chiếm 37,4% tổng doanh số bán lẻ. Với ngành hàng này, sức tiêu thụ của người tiêu dùng Mỹ ở mức vừa và cao, nhưng có yêu cầu cao đối với chất lượng, chú trọng nhiều đến cá tính riêng. Khi chọn mua sản phẩm liên quan tới sức khỏe, người tiêu dùng Mỹ thường có xu hướng quan tâm đến chất liệu, thương hiệu; còn các sản phẩm liên quan đến thẩm mỹ, cá tính thì người tiêu dùng sẽ quan tâm đến thiết kế... Các sản phẩm thuộc nhóm hàng này phải tuân thủ các tiêu chuẩn FCC, DOE, FDA của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, thị trường Mỹ nói riêng và Bắc Mỹ, châu Âu nói chung có những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt đối với các sản phẩm đồ chơi. Kinh doanh mặt hàng này trên Amazon Bắc Mỹ thường được yêu cầu chuẩn bị giấy chứng nhận sản phẩm dành cho trẻ em của cơ quan chức năng. Giấy chứng nhận này phải chứa thông tin về nhà sản xuất sản phẩm hay nhà nhập khẩu địa phương tại Mỹ, gồm có kết quả thử nghiệm có liên quan do phòng thí nghiệm bên thứ ba được CPSC chấp nhận thực hiện. Ngoài CPC, hình ảnh bao bì sản phẩm, cũng cần cung cấp hoá đơn mua sản phẩm để có được quyền bán hàng.
Trong khi đó, bán đồ chơi trên Amazon châu Âu, cần cung cấp CE và tuyên bố về sự phù hợp, nêu rõ rằng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu kiểm tra của chỉ thị An toàn đồ chơi. Đồng thời, việc kiểm tra hải quan đối với mặt hàng này cũng nghiêm ngặt hơn đáng kể so với các loại sản phẩm khác. Vì vậy, DN xuất khẩu hàng hóa thông qua trang TMĐT Amazon cần phải chuẩn bị chứng nhận đủ điều kiện tương ứng và phải chọn nhà hậu cần đủ điều kiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận