24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đinh Thị Ngân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp Việt sa bẫy lừa đảo quốc tế

Không ít đối tượng lừa đảo người nước ngoài lừa các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam với những chiêu thức rất tinh vi.

Ngày 10-8-2020, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Kim Bumjae (SN 1968, quốc tịch Hàn Quốc) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Kết quả điều tra cho thấy, đầu năm 2015, thông qua giới thiệu, Kim Bumjae gặp một người Hàn Quốc tên Kim Sung-hun (Tổng Giám đốc Công ty IDS Holdings, Hàn Quốc), được người này đề nghị mở chi nhánh của Công ty IDS Holdings và làm người đại diện tại Việt Nam. Kim Bumjae có nhiệm vụ kêu gọi đầu tư, chuyển tiền huy động được về công ty mẹ để kinh doanh ngoại hối (forex).

Từ tháng 4-2015 đến tháng 10-2018, Kim Bumjae lần lượt thành lập 9 công ty để thực hiện việc huy động tài chính trái pháp luật. Khi huy động vốn, Kim Bumjae hứa hẹn với nhà đầu tư sử dụng nguồn tiền huy động để đầu tư tại nước ngoài, tổ chức các lớp dạy forex, kinh doanh quán cà phê, CLB Poker, kinh doanh karaoke, du thuyền…

Tuy nhiên, thực tế các công ty này không chuyển tiền sang Hàn Quốc đầu tư, không tiến hành các hoạt động kinh doanh như quảng cáo mà chỉ là lấy tiền của nhà đầu tư sau chi trả cho nhà đầu tư trước. Tính tới thời điểm bị bắt, Kim Bumjae đã chiếm đoạt 81,5 tỷ đồng của 119 nhà đầu tư là người Việt.

Không chỉ dừng lại ở các cá nhân, thậm chí một số chủ doanh nghiệp cũng rơi vào bẫy của các màn lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn, thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp mập mờ và vô cùng tinh vi.

Đơn cử như vụ kiện chiếm đoạt tài sản đang được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận thụ lý. Nguyên đơn trong vụ kiện này là ông Trần Văn Quận (trú tại quận 7, TP HCM), bà Ngô Thị Yến (trú tại quận 7, TP HCM) và ông Đỗ Xuân Tiến (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng đứng đơn tố cáo một pháp nhân nước ngoài là Công ty Mineral Land Holding Limited (trụ sở tại Akara Building, 24 De Castro Stress; Wickham Cay 1, Road Town; Torola British Virgin Islands).

Công ty này có người đại diện pháp luật là ông John Koon - một người Hong Kong gốc Hoa nhưng mang quốc tịch Úc. Ông John Koon bị các doanh nhân người Việt kiện ra tòa án về hành vi lừa dối mua cổ phần tại Công ty cổ phần Đường Lâm, một doanh nghiệp chế biến khoáng sản có trụ sở tại Bình Thuận, nhưng không chuyển tiền thanh toán cổ phần như cam kết.

Điều đáng nói trong vụ việc này là mặc dù không được trả tiền bán cổ phần, nhưng các cổ đông Công ty CP Đường Lâm có nguy cơ mất trắng toàn bộ cổ phần và tài sản khi bị đẩy vào tình thế phải gánh nợ, khi "nhà đầu tư nước ngoài" dùng những chiêu trò hết sức tinh vi.

Sau khi bị khởi kiện ra tòa án, nhà đầu tư John Koon tố ngược rằng bản thân mới là nạn nhân bị các cổ đông Việt lừa đảo, nhưng thực tế chứng cứ mà ông này cung cấp hoàn toàn mâu thuẫn.

Sau khi bị các cổ đông Công ty CP Đường Lâm vạch trần sự gian dối, ông này liên tục lẩn tránh, bịa ra nhiều lý do để trì hoãn việc giải quyết vụ án. Điều này khiến cho Công ty Đường Lâm với hàng chục lao động rơi vào cảnh điêu đứng, không thể hoạt động một cách bình thường…

Mới đây nhất, Bộ Công Thương đưa cảnh báo về tình trạng mạo danh các công ty của Na Uy để lừa đảo các đối tác Việt Nam liên tiếp diễn ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng của Na Uy đã nhận được báo cáo về 40 trường hợp lừa đảo xuất khẩu, trong đó nạn nhân là rất nhiều doanh nghiệp đến từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, phía Na Uy cho rằng, con số doanh nghiệp bị lừa đảo thực tế còn lớn hơn. Thủ đoạn của các đối tượng là lập các website giả danh các công ty xuất khẩu thủy sản có thật với đầu mối liên hệ là giả mạo. Lợi dụng tâm lý cho rằng Na Uy là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín nên nhiều đối tác khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn đã nhanh chóng giao kết, sợ lỡ cơ hội mà không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác...

Trước tình hình lừa đảo gia tăng, ngày 25-5-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ thị nêu, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả