24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
My Lăng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp Việt nói gì về cáo buộc nâng giá cung ứng gạo cho Indonesia?

Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia - Bulog bị cáo buộc liên quan tới tham nhũng thông qua việc thổi phồng, cộng giá vào giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho rằng không liên quan và không bị ảnh hưởng.

Không ảnh hưởng đến đấu thầu gạo sang Indonesia

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia phát đi cảnh báo xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia có thể gặp bất lợi do Cơ quan hậu cần Quốc gia (Bulog) - cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ Indonesia, và Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia bị một tổ chức dân sự là People's Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (KPU) vì liên quan tới cáo buộc nâng giá mua gạo.

Theo cáo buộc, "tổn thất của nhà nước Indonesia từ hành vi tham nhũng này có thể lên tới 2.000 tỷ Rupee (Rp). Tổn thất này được tính toán dựa trên chênh lệch giá chào bán của một công ty Việt Nam, mức giá chênh tới 82 USD/tấn. Nếu tỷ giá chỉ tính là 15.000 Rp/USD, mức chênh lệch là 180,4 triệu USD. Với số lượng gạo nhập khẩu là 2,2 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2024, thì con số chênh lệch là 2.000 tỷ Rp".

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nhìn nhận điều này có khả năng sẽ ảnh hưởng bất lợi tới việc thu mua lúa gạo của Indonesia từ Việt Nam từ nay đến hết năm 2024 hoặc cho tới khi vụ việc được điều tra làm rõ.

Từ vụ việc này, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần thận trọng trong bất cứ giao dịch, phát ngôn; cạnh tranh lành mạnh, không để ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Thông tin trên ngay lập tức gây dậy sóng dư luận, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, vốn là ngành thế mạnh của Việt Nam.

Trả lời Nhadautu.vn về nguy cơ có thể ảnh hưởng đến việc Indonesia ngưng đấu thầu gạo từ Việt Nam, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group cho rằng, nguy cơ trên là không rõ ràng.

"Cho đến hiện tại, thông tin trên có thể chỉ là một động thái thăm dò dư luận và thị trường từ phía Indonesia. Riêng Vrice không ảnh hưởng bởi giá sản phẩm của chúng tôi tương xứng giá thành, chất lượng cao giá cũng không rẻ. Trong khi Indonesia chỉ ưu tiên cho các nhà cung cấp giá thấp với chất lượng gạo trung bình", ông Phan Văn Có nhận định.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long cho biết, từ năm 2023 đến nay, Tân Long không trúng trực tiếp bất cứ lô hàng gạo nào của Bulog mà chỉ trúng duy nhất một lô 30.000 tấn gạo thông qua Posco (Hàn Quốc). Đối với gói thầu 30.000 tấn này, Tập đoàn Tân Long trúng với mức giá 620 USD/tấn, thời điểm trúng thầu là tháng 1 (trước Tết Nguyên đán), giao hàng từ 25/2 - 15/3. Tuy nhiên thời điểm giao hàng thực tế là tháng 4 theo yêu cầu từ phía Bulog.

"Ngày 19/5, trong chuyến công tác của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia tại Việt Nam, phái đoàn đã tham quan một cơ sở Nhà máy gạo của Tập đoàn Tân Long tại Cần Thơ và nhà máy gạo Hạnh Phúc ở An Giang. Tại thời điểm Indonesia đặt vấn đề chào mua gạo, Tập đoàn Tân Long chào bán mức giá 538 USD/tấn (giá FOB). Tuy nhiên, Tập đoàn Tân Long không trúng thầu vì chào giá cao hơn so với các doanh nghiệp khác", ông Bá khẳng định và cho biết, không liên quan gì đến Bulog.

Lộc Trời từng trúng thầu gạo cho Bulog?

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời) từng phát đi thông báo chính thức về việc trúng thầu 100.000 tấn gạo cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog).

Cụ thể, trong thông cáo phát đi tối 29/5/2024, đại diện Lộc Trời cho biết đơn hàng cung ứng cho Bulog có giá trị hơn 55 triệu USD (khoảng 1.300 tỷ đồng), giao 100.000 tấn gạo trong 2 tháng, tương đương mức giá khoảng 550 USD/tấn.

Theo Lộc Trời, khi ký kết các đơn hàng, từng mức giá gạo xuất khẩu đều được tính toán rất kỹ lưỡng. Bù đắp được các khoản chi phí, tập đoàn có lợi nhuận đồng thời hài hòa lợi ích của bà con nông dân, lợi ích thị trường và lợi ích của nông sản Việt Nam về lâu dài.

Mức giá gạo xuất khẩu của đơn hàng 100.000 tấn lần này, theo Lộc Trời đã đáp ứng các yêu cầu trên đồng thời phản ánh tình hình thị trường lúa gạo hiện tại, đúng phẩm cấp chất lượng gạo theo yêu cầu, có tính thời điểm. Giá gạo xuất khẩu của đơn hàng này không làm ảnh hưởng tới các đợt đấu thầu tiếp theo cũng như giá xuất khẩu của 6 – 8 triệu tấn gạo mà Việt Nam xuất khẩu hàng năm ra thị trường thế giới.

Nhadautu.vn đã liên hệ với Lộc Trời về vấn đề trên nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả