24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Kiều Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp Việt Nam với EVFTA: “Điệu tango cần có hai người”

"Muốn EVFTA thật sự phát huy hết hiệu quả và sức mạnh, không thể thiếu sự phối hợp giữa nhà nước và các doanh nghiệp - như điệu tango cần có hai người vậy”.

Doanh nghiệp Việt Nam với EVFTA: “Điệu tango cần có hai người”

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ về việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA).

- EU là một thị trường khó tính, vậy theo ông làm cách nào để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực và đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường này?

Nhà nước đã đang và sẽ làm nhiều việc cho vấn đề này, nhưng như một câu ngạn ngữ “cần phải có hai người thì mới nhảy được điệu Tango”. Nếu doanh nghiệp không tự thân nỗ lực thì rất khó. Đã từng có trường hợp trong khi nhiều người không bán được Thanh Long thì cũng có những hộ nông dân lại không có đủ hàng để bán vào EU. Bác nông dân Việt Nam đã chứng minh một cách hoàn hảo, nếu sản xuất được tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất sạch thì thị trường hết sức rộng mở, không có hàng để bán. Đây là những trường hợp cố gắng tự nâng mình lên, tự đáp ứng tiêu chuẩn cao để bán được hàng.

Còn nếu nhà nước có tuyên truyền, hỗ trợ nhưng bản thân doanh nghiệp không có ý thức vươn lên thì cũng rất khó.

- EU được đánh giá là thị trường xuất khẩu rau quả tươi nhiều tiềm năng, song phức tạp và có tính chuyên nghiệp cao, nhà xuất khẩu buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu. Ông có thể đưa ra lưu ý gì cho doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu sang thị trường này?

Doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ các yêu cầu của khách hàng tiềm năng và làm việc với các chuyên gia nông nghiệp, nhà tư vấn GlobalGap về các phương pháp sản xuất làm giảm việc sử dụng hóa chất. Đồng thời, phải có chứng nhận toàn cầu G.A.P (vì đây là một yêu cầu tối thiểu để làm kinh doanh với người mua ở châu Âu); Phải có tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn tối thiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm nếu doanh nghiệp tham gia vào quá trình chế biến và đóng gói).

Sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn và tính bền vững là những yêu cầu mà thị trường EU chú trọng.

Một yếu tố quan trọng cần lưu ý là tính bền vững. Vấn đề này đang trở thành một yếu tố quan trọng và được yêu cầu bởi người tiêu dùng và nhà bán lẻ trên khắp châu Âu. Họ quan tâm đến môi trường, hoàn cảnh xã hội, người lao động, thương mại bình đẳng và phúc lợi chung của người dân và nơi sản phẩm được sản xuất.

- Ông có thể phân tích rõ hơn về các yêu cầu tuân thủ các giá trị về bền vững của EU, thưa ông?

Hiện tại có một số giá trị và hệ thống bền vững có sẵn như Sáng kiến thương mại có đạo đức (ETI); Sáng kiến tuân thủ xã hội trong kinh doanh (BSCI); Trao đổi dữ liệu đạo đức nhà cung cấp (SEDEX); GlobalG.A.P; Đánh giá rủi ro về thực hành xã hội (GRASP); Công bằng cho cuộc sống và thương mại công bằng để bạn tuân thủ. Dự kiến những yếu tố này sẽ được hoàn chỉnh trong tương lai và được hợp nhất thành một vài giá trị chính.

Nói chung, giao dịch kinh doanh trong ngành rau quả tươi là đơn giản, ngắn gọn và trực tiếp. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải rõ ràng về quan điểm, duy trì thông tin liên lạc thường xuyên và trực tiếp. Doanh nghiệp không nên trốn tránh việc cung cấp tin tức xấu, ngược lại nếu có sự cố xảy ra, hãy liên lạc trực tiếp với người mua.

Sau đó tìm kiếm các giải pháp có thể cùng nhau giải quyết và thảo luận về hậu quả một cách cởi mở. Ngoài ra, doanh nghiệp cần cung cấp cho người mua về giá cước vận chuyển, thời gian vận chuyển và lịch trình đến để họ có thể tính toán chi phí và lên kế hoạch giao dịch. Lưu ý tìm lịch trình vận chuyển tốt nhất và mức giá tốt nhất. Cuối cùng, doanh nghiệp lưu ý cung cấp các thỏa thuận rõ ràng và khả thi về: sản phẩm, chủng loại, kích cỡ/số lượng, khối lượng, chứng nhận, mùa, bao bì, hộp trên mỗi pallet/ container...

- Thực tế nhiều doanh nghiệp không có tiền để đầu tư vào máy móc thiết bị, nâng cao tiêu chuẩn, thưa ông?

Theo tôi, không có tiền thì phải tích lũy, doanh nghiệp bao giờ cũng đi từ nhỏ đến lớn, miễn sao biết tích lũy.

- Một câu chuyên dư luận rất quan tâm gần đây, đó là rủi do “giả mạo xuất xứ”. Vậy chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?

Tôi nhấn mạnh, rủi ro giả mạo xuất xứ là có, nhất là khi Hoa Kỳ và EU cho phép người nhập khẩu được tự khai xuất xứ hàng hóa trên cơ sở tự nguyện. Cho nên, có những người đưa hàng vào Hoa Kỳ và tự khai đây là hàng Việt Nam thì làm sao chúng ta có thể phạt được, vì họ không đi qua Việt Nam. Tuy nhiên, khi làm trái thì họ phải chịu sự trừng phạt tại thị trường Hoa Kỳ. Còn về phía Việt Nam, việc có thể làm là kiểm tra chặt chẽ khâu cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

Chúng ta đã có rất nhiều hoạt động để bảo đảm rằng, lãnh thổ Việt Nam không bị lợi dụng để lẩn tránh thuế trên bất kỳ thị trường nào. Việt Nam hợp tác rất tốt với cơ quan hải quan Hoa Kỳ, cũng như cơ quan phòng chống gian lận thương mại Liên minh châu Âu.

Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đón nhiều đoàn của cơ quan phòng chống gian lận thương mại Liên minh châu Âu vào Việt Nam kiểm tra khi họ nghi ngờ có những dấu hiệu bất thường. Nhưng sau các cuộc kiểm tra, phía EU cảm thấy rất hài lòng, bởi doanh nghiệp Việt Nam không có biểu hiện lẩn tránh vì họ sản xuất thật.

Cho nên, nói hiện tượng hàng Việt Nam bị đội lốt đã phổ biến hay chưa thì tôi xin khẳng định là chưa.
Đây đó có một vài lá đơn than phiền về mặt hàng gỗ dán, hay mức thuế đánh vào mặt hàng thép thì cũng không nên nói những trường hợp này là phổ biến, vì sau đó có thể sẽ tạo ra sự hoang mang trong dư luận.

Nhưng cũng không ai có thể yên tâm nói rằng nó sẽ không trở nên phổ biến. Bộ Công Thương đã, đang và sẽ phối hợp với tất cả các cơ quan chức năng để bảo đảm rằng, công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ của chúng ta được tiến hành một cách nghiêm túc.

- Vậy còn vấn đề Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/7 tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 456% đối với một số mặt hàng thép được sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), sau đó được vận chuyển tới Việt Nam để gia công và cuối cùng xuất khẩu tới Mỹ, thì sao thưa ông?

Mỹ đánh thuế cao vào thép Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc với những doanh nghiệp FDI trên lãnh thổ Việt Nam lấy thép cán nóng của các nước này về làm thép cán nguội, thép chống rỉ để bán vào Hoa Kỳ, nên đã bị phía Hoa Kỳ đánh giá là hành vi lẩn tránh. Vì các doanh nghiệp này vẫn dùng thép nền của Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam rất biết điều này, cho nên từ năm 2018 doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá “chu đáo”. Và như một vị nguyên là lãnh đạo Hiệp hội thép Việt Nam từng khẳng định, việc Hoa Kỳ đánh thuế cao với một số mặt hàng thép này ảnh hưởng không đáng kể đến doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã biết chuyển sang sử dụng thép cán nóng của Việt Nam để làm ra sản phẩm bán sang thị trường Hoa Kỳ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp FDI sử dụng thép cán nóng của Việt Nam hay thép cán nóng của Nhật Bản hoặc những thị trường Hoa Kỳ không đánh thuế thì vẫn có thể bán được sản phẩm thép vào Hoa Kỳ.

- Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả