Doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt thị trường EVFTA
Với các tiêu chuẩn cao từ Hiệp định đã buộc doanh nghiệp và các cơ quan liên quan của Việt Nam phải vươn lên để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Sau 1 năm thực thi hiệp định này, về cơ bản, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt các ưu đãi thuế quan từ hiệp định, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Đồng thời, với các tiêu chuẩn cao từ Hiệp định cũng đã buộc doanh nghiệp và các cơ quan liên quan của Việt Nam phải vươn lên để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập. PV VOV đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nội dung này.
Chỉ cần so sánh với FTA có hiệu lực gần nhất là CPTPP, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam trong CPTPP cho các đối tác mới như Canada hay Mexico các doanh nghiệp chúng ta tận dụng được trong EVFTA cũng cao gấp đôi. Điều đó cho thấy rõ ràng đây là một hiệp định mà doanh nghiệp có kỳ vọng nhiều.
Trên thực tế sau 1 năm, có thể các kết quả chưa đạt được mức như chúng ta thực sự mong muốn, nhưng lợi thế đã cao hơn đáng kể so với những hiệp định mà chúng ta đã có trước đây.
Trong khi đó, EVFTA có lẽ là Hiệp định đầu tiên mà chỉ sau có vài ngày có hiệu lực, Chính phủ đã tổ chức ngay một Hội nghị toàn quốc để triển khai, tập trung bàn về những câu chuyện cụ thể. Ví dụ như câu chuyện cải cách thể chế thế; nâng cao và khắc phục được những những vấn đề về cơ sở hạ tầng và giải quyết bài toán nhân lực để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Qua 1 năm chúng ta đã có những hoạt động để thúc đẩy công tác này dù còn bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, đặc biệt trong đó có yếu tố dịch bệnh. Chính phủ đã quyết tâm đặt ra và đi theo cả hai hướng: Một là cải cách về mặt thể chế pháp luật vượt lên trên cam kết; Hai là cải cách về thể chế kinh tế và vượt qua, xử lý được những nút thắt về mặt kinh tế để các doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả, giải phóng sức sáng tạo của mình và tận dụng được một cách hiện thực nhất những cơ hội mà EVFTA mang lại.
Ngay như câu chuyện của IUU - Thẻ vàng thủy sản không chỉ là câu chuyện riêng đối với thị trường EU, mà Hiệp định CPTPP cùng và nhiều đối tác khác của Việt Nam cũng có yêu cầu như vậy. Cho nên, nếu làm được thì chúng ta đáp ứng không chỉ với EU mà hàng hóa còn có thể tự tin hơn để phát triển bền vững ở các thị trường khác. Việc làm này cũng chính là vì sự phát triển bền vững nguồn lợi và môi trường biển của chúng ta nếu muốn cùng nhau sống dựa vào biển lâu dài.
Cũng như vậy đối với các thách thức, các yêu cầu về lao động, hay những chuẩn mới trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU hay CPTPP… cũng tạo được thương hiệu mới về lao động cho các sản phẩm của Việt Nam, nhưng đồng thời nó cũng là chất lượng cuộc sống, cũng như điều kiện làm việc của những người lao động. Nếu chúng ta làm tốt thì không chỉ dừng lại việc tận dụng Hiệp định EVFTA mà còn có lợi ích rất lớn cho toàn bộ hoạt động hội nhập của Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận