24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đoan Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp Việt chuyển đổi số: Không biết rẽ trái hay rẽ phải!

Doanh nghiệp Việt thực hiện chuyển đổi số hiện nay đang giống như câu chuyện "ra đường không biết phải rẽ trái, hay rẽ phải"...

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, doanh nghiệp nếu không sớm bắt đầu chuyển đổi số, nâng cao năng lực hoạt động bằng công nghệ, sẽ dần bị loại bỏ khỏi cuộc chơi, biến mất khỏi thị trường. Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu.

Quan điểm được nhiều chuyên gia công nghệ đưa ra tại Diễn đàn công nghệ FPT 2019 (FPT Techday 2019), diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình hôm nay, 21/11. Sự kiện quy tụ 500 các diễn giả, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu cùng thảo luận và chia sẻ những bài học kinh nghiệm khởi đầu thông minh để thành công trong chuyển đổi số tại Việt Nam.

Theo ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT, qua một khảo sát của FPT, cho thấy có tới 70% doanh nghiệp Việt nhận thức được về sự cần thiết của chuyển đổi số, tuy nhiên 70% trong số đó không đánh giá được nhu cầu của chính mình và không biết phải bắt đầu chuyển đổi từ đâu.

Ông Việt Anh lấy ví dụ về một công ty Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và thương mại (tuy nhiên không nêu đích danh) rằng công ty này đã có 15 năm hoạt động. Trong 10 năm đầu tiên, công ty đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, trung bình 50%/năm và nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1 thị trường. Nhưng, khi các đối thủ cạnh tranh nhảy vào cuộc đua, họ tận dụng ưu thế về công nghệ, nắm vững khách hàng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, từ đó tăng tốc vượt lên.

"Tốc độ phát triển của công ty kể trên đã chững lại trong 5 năm gần đây, giảm xuống chỉ còn 15% trong năm ngoái. Tệ hại hơn Lợi nhuận của công ty cũng suy giảm đáng kể. Lợi nhuận của năm tài chính 2018 chỉ còn tương đương 55% lợi nhuận của năm 2013", ông Việt Anh cho biết.

Cũng theo Phó tổng giám đốc FPT, khi tiếp xúc và làm một cuộc khảo sát đánh giá nhanh tinh hình của công ty mới phát hiện những vấn đề lớn mà công ty này gặp phải, đó là việc quản lý khách hàng phân tán, hệ thống vận hành vẫn áp dụng mô hình từ 15 năm trước với rất nhiều công đoạn vận hành thủ công, năng suất lao động không được đo đạc…

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, cũng cho rằng, tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam chưa chuyển đổi số rất lớn, hiện ước tính gấp 1,5 lần so với thế giới và phần lớn trong đó đều thừa nhận là không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu. Theo ông Khoa, doanh nghiệp Việt thực hiện chuyển đổi số hiện nay đang giống như câu chuyện "ra đường không biết phải rẽ trái, hay rẽ phải".

Vẫn có những doanh nghiệp nhạy bén

Tất nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu hay không biết rẽ phải hay rẽ trái, mà không ít doanh nghiệp nhạy bén với thời cuộc nên thực hiện chuyển đổi số khá sớm.

Ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin của Masan cho biết, đến thời điểm hiện tại Masan đã trải qua 3 lần chuyển đổi số kể từ năm 2013, theo đó mỗi giai đoạn có một định hướng nhất định để luôn đảm bảo phải có hàng trên kệ, đảm bảo chất lượng của hàng tỉ sản phẩm cũng như giá cả phù hợp cho người tiêu dùng.

"Để cạnh tranh trên thị trường, Masan xác định không có cách nào khác ngoài thay đổi và tự hoàn thiện mình. Chúng tôi đã đưa vào ứng dụng hệ thống báo cáo thông minh vào để cá nhân hoá dữ liệu", ông Nguyên cho biết.

Vị lãnh đạo của Masan cũng cho biết, khi Alibaba vào Việt Nam (năm 2019 là thời điểm Alibaba của Trung Quốc đẩy mạnh tấn công thị trường Việt Nam với các mặt hàng như gỗ, may mặc, thực phẩm đồ uống… - PV) thì không chỉ doanh nghiệp của ông mà hầu hết các công ty bán hàng đều lo sợ. Vì khi đó doanh nghiệp có thể còn sản phẩm, còn nhà máy, còn công nhân nhưng mất khách hàng.

Do đó Masan quyết định bước ra và xây dựng thương hiệu rõ rệt, đẩy mạnh chuyển đổi số để cho các sản phẩm tiếp cận 26 triệu hộ dân Việt Nam. Masan cũng đi bắt tay với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam để cùng phát triển – theo Phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin của Masan.

Giám đốc công nghệ thông tin của cà phê Trung Nguyên, ông Nguyễn Thanh Đạm cho biết, Trung Nguyên chuyển đổi số bắt đầu từ số hoá, tin học hoá, liên tục đầu tư và tái đầu tư. Cụ thể, từ năm 2011, Trung Nguyên đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin lớn. Sau khoảng năm sáu năm sử dụng, hệ thống bắt đầu có vấn đề thì đặt ra bài toán về bảo trì, bảo dưỡng hay nâng cấp, thay mới. Sau khi cân nhắc, so sánh về chi phí, Trung Nguyên quyết định chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ.

"Chuyển đổi số không nhằm mục đích gì khác ngoài việc giúp các doanh nghiệp thay đổi, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển hơn nữa và là sự gắn kết không thể tách rời của chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi về con người", nhiều chuyên gia tham dự diễn đàn khẳng định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả