Doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh để hưởng "trái ngọt" từ CPTPP
Việc hiện thực hóa các cơ hội từ CPTPP còn hạn chế là do sự thua kém về năng lực cạnh tranh, các biến động đầy tính bất định của thị trường...
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm qua đã có bước tiến đáng kể. Tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP ngày càng được cải thiện.
Nếm "trái ngọt" từ CPTPP
Chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo "Việt Nam sau 2 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Aus4Reform - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc hiện thực hóa các cơ hội từ CPTPP còn hạn chế mà theo các doanh nghiệp (DN) nhìn nhận là do sự thua kém về năng lực cạnh tranh, các biến động đầy tính bất định của thị trường.
Các DN phản ánh những vướng mắc như: vẫn thiếu thông tin về các cam kết, các hạn chế khác trong tổ chức thực thi Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) của các cơ quan nhà nước... Cùng với đó là một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho DN..., ông Lộc thông tin.
Khảo sát mức độ hiểu biết của DN về CPTPP, VCCI cho biết, có 69% DN nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác; 25% DN có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Song, cứ 20 DN mới có một DN biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Về các tác động trực tiếp, cứ 4 DN thì có 1 DN đã được trải nghiệm "trái ngọt" từ Hiệp định CPTPP.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) phân tích: Với 3/4 DN chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu là họ không có hoạt động kinh doanh liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua.
Đáng lưu ý là các cơ quan quản lý đã cố gắng hoàn thiện thể chế để thực thi CPTPP, nhưng đến khi thực hiện, phần lớn các văn bản thực thi CPTPP đều được ban hành chậm tiến độ so với yêu cầu của cam kết, bà Trang chỉ rõ.
Tận dụng cơ hội từ CPTPP để tăng cường số hóa
Ông David Gottlieb, Tham tán kinh tế và hợp tác phát triển Australia tại Việt Nam nhận định: "Trong bối cảnh đại dịch, công nghệ số hóa đóng vai trò ngày càng quan trọng trong mọi khía cạnh xã hội, chúng tôi khuyến khích Việt Nam tìm ra và tận dụng cơ hội từ CPTPP để tăng cường số hóa trong khu vực".
Đại dịch Covid-19 tạo ra những thách thức chưa từng có, trong đó có cả nguyên tắc về tự do và mở cửa thương mại. Nhưng đại dịch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác và các mối quan hệ thương mại chặt chẽ. Các thành viên của CPTPP bao gồm Australia và Việt Nam đã ứng phó với đại dịch bằng cách thực hiện những cam kết đối với thương mại dựa trên luật lệ và duy trì những chuỗi cung ứng mở, thông tin tích cực và minh bạch... Cả Australia và Việt Nam đã kiểm soát đại dịch tốt hơn so với nhiều quốc gia khác nhờ khả năng đàn hồi của nền kinh tế mà phần lớn nhờ lĩnh vực xuất khẩu, ông David Gottlieb đánh giá.
Theo Tham tán kinh tế và hợp tác phát triển Australia tại Việt Nam, CPTPP là hiệp định tham vọng và tiêu chuẩn cao liên quan đến nhiều khía cạnh quan trọng của thương mại và đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, quan trọng hơn bao giờ hết là phải chống lại chủ nghĩa bảo hộ và củng cố hệ thống thương mại mở, hiệu quả, công bằng, toàn diện và dựa trên luật lệ để khôi phục sự phát triển kinh tế toàn cầu.
"Trong 2 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công lớn khi trở thành thành viên của CPTPP. Việt Nam cần được tuyên dương và tự hào vì đã quyết tâm thực hiện đầy đủ các cam kết trong CPTPP. Australia cam kết cùng Việt Nam phục hồi kinh kinh tế hậu Covid-19, bao gồm cả việc thiết lập và tăng cường các chuỗi giá trị và nghiên cứu những cách thức mà CPTPP có thể được tận dụng để thúc đẩy thương mại số", ông David Gottlieb nhấn mạnh./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận