24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngọc Trân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp tư nhân góp ý về kinh tế thị trường

Nhiều đề xuất và kiến nghị của doanh nghiệp được ghi nhận tại diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” tổ chức tại Hà Nội hôm 19-12 nhằm giúp đất nước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời giúp phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” ngày 19-12 nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan phát động vào ngày 3-9-2019 vừa qua.

Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” nhằm mục đích khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và huy động trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều ý kiến được các doanh nghiệp đóng góp xoay quanh việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và phát triển kinh tế tư nhân nói riêng, bao gồm đề xuất về giải pháp xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển bền vững, hiệu quả kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình và các hình thức kinh doanh cá thể cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, các kiến nghị khác liên quan tới doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thêm vào đó là việc chính phủ cần tạo ra các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và phát triển nhanh, bền vững và đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đi kèm xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn.

Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, vai trò kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như đã nêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.

Theo đó, Đảng và Nhà nước luôn đồng hành, lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu các phản ánh khó khăn, vướng mắc và ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân về hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng trên tinh thần mọi cơ chế, chính sách phải bám sát thực tiễn cuộc sống và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Kinh tế tư nhân là đầu tàu

Theo giáo sư Nguyễn Mại, doanh nghiệp và doanh nhân là đội quân chủ lực trong quá trình chấn hưng kinh tế dân tộc. Cùng với việc khuyến khích, tạo thuận lợi để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế (TĐKT).

Kinh tế tư nhân, trong đó có TĐKT, theo đó đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng tốc độ tăng trưởng, đổi mới công nghệ, hình thành đội ngũ lao động có kỷ năng, nâng cao thu nhập của người lao động, cải thiện cuộc sống của các tầng lớp dân cư.

Nhiều TĐKT mới được hình thành ở Việt Nam nên có cấu trúc khá đa dạng tùy thuộc vào chủ doanh nghiệp, vì thế cần từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiến để luật pháp hóa về mô hình TĐKT; quy định các điều kiện hình thành tập đoàn, cơ chế hoạt động của tập đoàn như quan hệ giữa công ty mẹ, công ty con và công ty liên kết, quyền lợi và nghĩa vụ của tập đoàn.

Ông Mại bởi vậy khuyến nghị nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển TĐKT trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm, đồng thời quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá”, trốn thuế, sở hữu chéo, hình thành mối “quan hệ cánh hẩu” giữa doanh nghiệp với ngân hàng, với cơ quan nhà nước.

TĐKT cần được khuyến khích phát triển thành công ty đại chúng đa sở hữu nhằm giải bài toán tích luỹ vốn và tạo lập nguồn lực để phát triển nhanh và hiệu quả cao, có chiến lược kinh doanh dài hạn, tầm nhìn toàn cầu, quản trị hiện đại và minh bạch, nhanh chóng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Chuyển đổi số quốc gia

Tăng tốc chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp được xác định là một yếu tố giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội và ngành tài chính ngân hàng có thể dẫn dắt cuộc chơi nhờ có tiềm lực đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi số mà không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Ý kiến này của ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienViePostBank, chia sẻ với lập luận các doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế là phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có đầu tư lớn vào công nghệ cũ nên có thể đi thẳng vào chuyển đổi số

Như vậy, chính phủ đóng vai trò mở đường cho doanh nghiệp chuyển đổi số qua các chính sách khuyến kích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số. Quan trọng nhất là cho phép thử nghiệm sản phẩm mới, công nghệ mới của Việt Nam còn vướng về pháp luật chưa có hoặc chưa phù hợp với đổi mới, sáng tạo.

Đi cùng với đó là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, theo ông Thắng, có thể thực hiện ngay chuyển đổi số và đột phá vì ngân hàng có tiềm lực đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi số mà không cần sử dụng ngân sách Nhà nước.

“Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam mà tiên phong là các định chế tài chính, ngân hàng có đủ điều kiện cơ bản để có thể thực hiện ngay chuyển đổi số và là nhân tố thúc đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia. Điều kiện tiên quyết là chính phủ kiến tạo và doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức được cơ hội chuyển đổi số, khảng định ý chí, bản lĩnh, khát vọng vươn lên, dám nghĩ, dám làm quyết liệt để đi đến thành công, làm giàu cho cá nhân, cho doanh nghiệp và xây dựng Việt Nam hùng cường”, ông Thắng chia sẻ.

Vị chủ tịch này kiến nghị chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho các định chế tài chính, ngân hàng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số các dịch vụ tài chính, ngân hàng bằng các khung pháp lý về chuyển đổi số tài chính, ngân hàng, ngân hàng số, ví điện tử và cổng thanh toán số.

Cùng với đó là các quy định pháp lý cho phép sử dụng và thử nghiệm (Sanbox). Ngân hàng như vậy có thể thử nghiệm phát triển mạng lưới đại lý dịch vụ hỗ trợ nạp tiền mặt vào tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử mọi lúc và mọi nơi có cộng đồng dân cư để người dân sử dụng được dịch vụ ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt.

Thử nghiệm cho phép sử dụng ví điện tử, ngân hàng số để gửi tiền kiều hối online giữa Việt Kiều về cho người thân tại Việt Nam.

Phát huy kinh tế chia sẻ

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền công nghệ 4.0, sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ đã ảnh hưởng trông hầu hết mọi lãnh vực từ sản suất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý dữ liệu, quản lý doanh nghiệp và quản lý nhà nước. Thị trường và nhu cầu luôn biến động, những ý tưởng và mô hình đổi mới xảy ra hàng ngày, hàng giờ.

Để thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vận hành tốt, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Quốc gia, thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp phát triển theo chỉ quyết định 999/QĐ-TTg 2019 của thủ tướng chính phủ về đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, ông Phan Hoàng Tuấn, Ủy viên BCH TW Hội – Trưởng VPĐD Miền Nam Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Gia Thy, kiến nghị một số giải pháp bao gồm việc chính phủ cần phân bổ nguồn vốn đề đầu tư nhanh chóng về cơ sỡ dự liệu quốc gia, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông tin, Big data và có chính sách luật pháp về chia sẻ, quản lý nguồn dữ liệu với các doanh nghiệp tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ.

Thêm vào đó là hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của Việt Nam như Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ, do đó cần đẩy nhanh trong việc sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành cho phù hợp với yêu cầu quản lý theo từng hoạt động của kinh tế chia sẻ.

Khuyến khích phong trào khởi nghiệp

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Dù đã có những bước phát triển đáng chú ý trong những năm qua, startup Việt vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Như vậy chính phủ cần tiếp tục có sự ủng hộ về mặt chính trị và tạo lập môi trường văn hoá mới để hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng của bức tranh startup Việt Nam.

Chính phủ cần xác định, lập bản đồ và phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp tiềm năng và các thành phần trong đó, mối quan tâm và nhu cầu hỗ trợ chính sách. Tập trung xây dựng sự phối hợp và lòng tin giữa các thành phần. Các chỉ số và mức xếp hạng hiện tại có thể cung cấp một khuôn khổ tốt và là điểm xuất phát cho nghiên cứu, nhưng cũng cần có các nghiên cứu sâu khác nữa.

Cùng với đó là việc cần có một không gian để thử nghiệm chính sách và áp dụng biện pháp tiếp cận “kết thúc nhanh khi thất bại” trong việc thiết kế và đưa ra các chương trình và sáng kiến chính sách, tránh các thông lệ quá cứng nhắc. Áp dụng quy trình theo dõi và đánh giá để tạo thuận lợi cho việc học hỏi và cải thiện sáng kiến.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả