Doanh nghiệp trông đợi gì từ gói kích thích kinh tế thứ 2?
Gói kích thích kinh tế lần thứ 2 có thể là cú hích quan trọng và là đòn bảy kinh tế, giúp gia tăng khả năng phục hồi một số ngành, lĩnh vực vốn đang bị chậm nhịp trong tiến trình phát triển, hội nhập
Thông tin về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hàng loạt chính sách tài khóa trong gói kích thích kinh tế lần thứ 2 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đặc biệt tập trung vào một số ngành như du lịch, hàng không và tiêu dùng…nhận được sự ủng hộ và quan tâm của dư luận xã hội.
Nhiều người bày tỏ, đây có thể sẽ là cú hích quan trọng góp phần làm đòn bảy kinh tế, giúp gia tăng khả năng phục hồi ở một số ngành, lĩnh vực vốn đang bị chậm nhịp trong tiến trình phát triển và hội nhập.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đề xuất là nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.
Tác động của chính sách nhằm hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất; đồng thời, tránh nguy cơ phải tuyên bố phá sản, gây tác động bất ổn cho kinh tế - xã hội.
Đại diện các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, đề xuất gói kích thích kinh tế lần thứ 2; trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp lúc này; đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên doanh sản xuất và xuất khẩu.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ... đang gặp khó nên việc doanh nghiệp phải quay về thị trường trong nước là giải pháp tình thế cần thiết.
Lúc này, các doanh nghiệp đều đang mong muốn tiếp tục được giãn, hoãn nợ ngân hàng, ưu đãi thuế, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận các gói tín dụng… nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp vươn lên.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là gói kích thích kinh tế thứ 2 sẽ được triển khai như thế nào để tránh những bất cập và vướng mắc như gói hỗ trợ đầu tiên 62 nghìn tỷ đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế khách quan và giải quyết được tình trạng khó khăn chung của đa phần doanh nghiệp.
Bà Thanh Xuân cho biết, trước đây, ở thời kỳ khó khăn nhất do dịch COVID-19, đa phần các doanh nghiệp sản xuất của ngành da giày, túi xách đều không thể đáp ứng được các điều kiện về quy mô vốn, về số lượng nhân công... để tiếp nhận sự hỗ trợ và ưu đãi của Chính phủ.
Do đó, đã có không ít doanh nghiệp ngành này phải rời bỏ thị trường hoặc lâm vào tình cảnh bế tắc; nhất là khi hàng hóa bị "bế quan tỏa cảng" do buộc phải ngừng xuất khẩu.
Mong rằng, với những cơ chế và chính sách tài khóa thông thoáng hơn, các điều kiện áp dụng được nới lỏng và việc mở rộng đối tượng áp dụng rộng rãi hơn, chi tiết hơn tới từng ngành và lĩnh vực kinh tế sẽ giúp cho ngành sản xuất da giày, túi xách của Việt Nam thêm cơ hội để duy trì sự tồn tại cho tới khi tình hình kinh tế chung trên toàn cầu được cải thiện.
Đồng tình quan điểm, ông Trần Ngọc Quang, Đại diện Công ty TNHH Đức Thịnh chuyên sản xuất, phân phối các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm cho hay, cơ bản thì đa số các doanh nghiệp vẫn phải chủ động các giải pháp để “cứu mình” và tự xoay xở để vượt ra khỏi tình trạng khó khăn chung do thị trường, do các đối tác hạn chế giao thương… chứ không thể nằm chờ Nhà nước cứu trợ.
Hơn nữa, gói kích thích kinh tế lần thứ 2 hiện mới chỉ đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành và địa phương thì việc triển khai và áp dụng sẽ còn là chặng đường dài.
Theo ông Quang, trong bối cảnh hiện nay, ngoài sự hỗ trợ về tài chính, tín dụng các doanh nghiệp cũng rất cần các cơ chế mới của Nhà nước để chủ động tích lũy nội lực.
Cụ thể như các quy định về liên doanh, liên kết… phải làm sao có các thủ tục thuận tiện, dễ dàng và ít tính “trói buộc” pháp lý nhiều hơn, mới mong các doanh nghiệp bớt tâm lý hoang mang, e ngại khi đến với nhau và quyết định sáp nhập để cùng nhau gây dựng và phát triển.
Mong muốn doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cấp quy trình sản xuất và gia tăng tiềm lực tài chính, đồng nghĩa với việc tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường là điều chính đáng. Nhà nước nên khuyến khích và có các chính sách tạo thuận lợi.
Đó cũng chính là cách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và vươn lên trong lúc này, ông Quang nhấn mạnh./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận