24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thị Liên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp "thiếu máu" vì hàng tồn kho: Ngân hàng có thể hóa giải?

Thực tế, nhiều ngân hàng đã từng cho doanh nghiệp thế chấp hàng tồn kho để vay vốn. Tuy nhiên sau đó đã xảy ra không ít vụ việc doanh nghiệp khai khống giá trị, thậm chí là đánh tráo hàng tồn kho, gây thiệt hại không nhỏ khiến các ngân hàng mất niềm tin.

Việc tiếp vốn tín dụng cho các doanh nghiệp kẹt hàng tồn kho, là một trong những hướng “giải cứu” nhiều doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản.

LTS: Nỗi ám ảnh tồn kho đang đè nặng lên nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Đây là điều cần được cảnh báo và tìm hướng “gỡ khó” cho doanh nghiệp.

COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng cả ở đầu vào (hàng hóa, nguyên liệu) lẫn đầu ra (tiêu thụ nội địa & xuất khẩu). Sự tham gia của hệ thống tín dụng trong nỗ lực giãn nợ, giảm lãi, khoanh nợ…góp sức cho các doanh nghiệp cầm cự qua dịch và bứt lên khi COVID-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát sớm, hiệu quả.

“Chuẩn chung” cho giải cứu

Dù vậy, số doanh nghiệp khó khăn vẫn còn rất lớn do việc khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng chưa tạo “điểm vá” chắc chắn mà chỉ mang tính tạm thời. Ths. Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn nhận định về trung hạn (6 tháng trở lên), đầu vào hàng hóa nguyên liệu ở một số các thị trường vẫn còn là nút thắt. Trong khi đó, đáng quan ngại phía đầu ra, các thị trường trọng điểm nhập khẩu hàng Việt Nam như Mỹ, Châu Âu… vẫn còn “căng thẳng” với COVID-19.

“Vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp càng thấp, số ngày hàng tồn kho bình quân càng tăng cao, doanh nghiệp càng gặp khó khăn với chi phí tồn kho tăng. Trong đó, chi phí vốn là lớn nhất. Nếu chi phí vốn đầu tư tồn kho là vốn vay, thì tỷ suất sinh lời càng eo hẹp, phí tổn cơ hội về vốn càng lớn.

Khó khăn của các doanh nghiệp da giày, một bộ phận dệt may (do lĩnh vực này có sự dịch chuyển đơn hàng nhất định sang sản xuất áo quần bảo hộ, khẩu trang) và kể cả nhóm thủy hải sản đông lạnh…hiện nay là những ví dụ”, ông Hoàn nói.

Các ngân hàng có thể làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp lúc này, từ “chuẩn chung” của Thông tư 01/2020 đến sự linh hoạt phù hợp với đặc thù của từng đơn vị kinh doanh?

Câu trả lời là chuẩn chung đã có – ngành ngân hàng đã tiến hành giải ngân vốn với lãi suất thấp, góp phần hỗ trợ thanh khoản để doanh nghiệp sống sót qua mùa dịch. Việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi, phí, khoanh nợ… cũng là cách để “tân trang” nợ cũ, giảm bớt áp lực chi phí tài chính với nguy cơ trở thành nợ “xấu” của nợ mới, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn và có điều kiện phục hồi.

Đến “chuẩn riêng” của từng ngân hàng

Song các chuẩn chung không thể áp dụng chung cho tất cả, càng không thể “giải cứu” hết mọi doanh nghiệp hoặc “quá tay” làm méo mó chất lượng tín dụng. Dù rằng với nhiều ngân hàng, “chuẩn riêng” linh hoạt cũng đã được đặt ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, xưa nay là khách hàng có quan hệ tín dụng gắn bó và đủ điều kiện để ngân hàng hỗ trợ dựa trên định mức tín nhiệm cũ.

Lãnh đạo một tổ chức tín dụng chia sẻ: Trong bối cảnh đặc thù, sẽ có những chính sách đặc thù. Nhưng ngay cả những tổ chức doanh nghiệp có hạn mức tín dụng được ngân hàng “dành” sẵn lớn, thì vào lúc này, dư địa để được hỗ trợ thêm của ngân hàng đối với họ cũng đã khá hẹp.

Ông này nói rằng tại ngân hàng ông đang là Chủ tịch, hầu hết các doanh nghiệp này đều đã phát sinh dư nợ ngắn, trung, dài hạn từ năm trước đến năm nay.

Trong hạn mức cho năm tài khóa 2020, một phần cũng được ngân hàng thực hiện tiếp vốn giải ngân (khoanh nợ cũ, vay mới) ở những tháng đầu năm 2020. Và đó là nguồn vốn đủ giúp doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn căng thẳng bởi dịch. Còn nay, nếu doanh nghiệp tồn hàng lớn, không chứng minh được có đơn hàng mà muốn vay thêm, thì ngân hàng dù quan hệ tốt đến đâu cũng…bất khả kháng.

“Nhưng phải nói thẳng ra rằng khi tồn kho đã tới hạn không giải phóng, không có đầu ra, doanh nghiệp cũng không gõ cửa ngân hàng vay thêm làm gì ngoại trừ muốn đàm phá hạ lãi vay, giãn thời gian trả nợ”, vị này cho biết.

Để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia cho rằng ngân hàng cần phân loại hàng hóa tồn kho để đưa ra tỷ lệ cấp tín dụng hợp lý. Đặc biệt, ngân hàng phải có bộ phận chuyên trách có khả năng thẩm định giá trị hàng tồn kho, hoặc thuê đơn vị thẩm định độc lập. Về dài hạn Việt Nam cần sớm thành lập sàn giao dịch hàng tồn kho để tăng thêm tính thanh khoản cho loại tài sản này và ngân hàng cũng cởi mở hơn trong việc cho vay thế chấp bằng hàng tồn kho.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả