Doanh nghiệp thận trọng khi phát hành trái phiếu
Các công ty chứng khoán đang rất thận trọng khi nhận tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ; đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các hoạt động trên thị trường trái phiếu.
Lượng phát hành giảm mạnh
Bộ Tài chính cũng cho biết đang theo dõi sát danh sách các DN, tổ chức có dấu hiệu bất thường, phát hành trái phiếu dưới nhiều công ty con với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu... để quản lý, thanh tra và xử lý nghiêm. Ngoài ra, việc phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về trái phiếu DN; hoạt động xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại các công ty chứng khoán, các DN phát hành… cũng được cơ quan quản lý siết chặt.
Trong khi đó, số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) cho thấy trong quý II/2022, tổng khối lượng trái phiếu DN phát hành đạt 106.700 tỉ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm 99,7%, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhóm DN bất động sản chỉ phát hành 10.533 tỉ đồng, giảm tới 83,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong quý II, có 9 DN mới phát hành trái phiếu lần đầu, trong đó Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Mỹ Phú (700 tỉ đồng), Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương (682 tỉ đồng), Công ty CP Tập đoàn Hạ tầng giáo dục (622 tỉ đồng)… Phần lớn kỳ hạn phát hành từ 1 - 3 năm, lãi suất trung bình 6,55%/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, cố vấn tài chính của một công ty bất động sản lớn ở TP HCM nhận định ngoài nguyên nhân từ những vụ lùm xùm về trái phiếu DN xảy ra vào đầu năm 2022, kênh huy động vốn bằng trái phiếu DN sụt giảm mạnh vì cơ quan quản lý liên tục thanh tra, kiểm tra các công ty chứng khoán từng làm tư vấn phát hành trái phiếu DN. Vì vậy, các công ty chứng khoán thời gian gần đây rất thận trọng khi tham mưu cho DN phát hành trái phiếu, ngay cả DN có ý định phát hành cũng dè dặt khiến cho kênh huy động vốn này có phần chậm lại.
Cũng theo vị này, DN hiện phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng (NH), nguồn thu từ việc bán sản phẩm và phát hành trái phiếu. Tuy vậy, trong bối cảnh không còn tài sản thế chấp, NH thắt chặt cho vay bất động sản, việc bán sản phẩm chỉ thu về số tiền nhỏ và phải mất rất nhiều thời gian, DN chỉ còn phương án phát hành trái phiếu mới có đủ vốn để tiếp tục hoạt động. Thế nhưng, do Bộ Tài chính chưa ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ về phát hành trái phiếu, khiến DN lẫn công ty chứng khoán lo ngại việc chào bán trái phiếu DN không còn thuận lợi như trước.
Chờ sửa đổi Nghị định 153
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự thảo Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 153/CP đang được lấy ý kiến quy định chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được tham gia thị trường trái phiếu. Theo đó, điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp là nắm giữ và duy trì khoản đầu tư chứng khoán niêm yết trong vòng 2 năm liên tục, có giá trị tối thiểu 2 tỉ đồng… Mặt khác, dự thảo cũng quy định cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ được mua trái phiếu DN riêng lẻ (trên thị trường sơ hoặc thứ cấp) do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc có bảo lãnh thanh toán.
Đại diện Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định quy định này sẽ làm các DN niêm yết không thể huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân thông qua phát hành trái phiếu; đồng thời sẽ giảm mạnh giá trị phát hành trái phiếu DN riêng lẻ khi phần lớn loại hình trái phiếu này được chào bán bởi các công ty chưa niêm yết, đặc biệt là nhóm công ty bất động sản.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng đánh giá các quy định trên chưa hợp lý. Bởi vì trái phiếu là hình thức đầu tư thông qua công cụ nợ, có bản chất là "lời ăn lỗ chịu", hai bên tự giao dịch và tự chịu trách nhiệm. "Theo nguyên tắc của thị trường tài chính, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, nếu rủi ro không cao hơn việc gửi NH thì lãi suất trái phiếu không thể cao nhiều lần so với lãi suất tiền gửi" - ông Đức nói.
Dự thảo Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi còn yêu cầu DN không được phát hành trái phiếu với mục đích góp vốn mua cổ phần, mua trái phiếu của DN khác hay cho DN vay vốn. Điều này giúp bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khỏi việc các công ty sử dụng công ty con để phát hành trái phiếu nhằm cơ cấu lại chính vốn nợ của mình để đảo nợ. Qua đó, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân vì rủi ro sẽ tăng lên khi nguồn vốn từ trái phiếu được chuyển thành cổ phần của các công ty khác; hạn chế việc dòng vốn tập trung sang các lĩnh vực rủi ro khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận