Doanh nghiệp tăng tốc phục hồi sản xuất, kinh doanh
Sau thời gian giãn cách, các doanh nghiệp đang nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021.
Tăng tốc cho thời điểm cuối năm
Sau thời gian dài tạm dừng và "thu mình" lại để phòng chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đang trở lại guồng quay hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tính đến cuối tháng 10/2021, 100% các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp cũng đã tăng tốc sản xuất để bù lại khoảng thời gian giãn cách xã hội.
Trao đổi với phóng viên, bà Chu Thị Tiến - Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến Hà (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, sau thời giãn cách xã hội, công ty bắt đầu trở lại làm việc từ đầu tháng 10/2021, đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường.
"Chúng tôi đang tốc lực phục hồi sản xuất để hoàn thiện các đơn hàng cuối năm, bù lại thời gian gián đoạn vì giãn cách xã hội. Hiện lưu thông đã dễ dàng nên công nhân đã trở lại làm việc đầy đủ, việc giao hàng đi các nơi cũng thuận lợi hơn", bà Tiến chia sẻ.
Tương tự, bà Vũ Hoài Thu - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Lý Tưởng Việt Nam cũng cho biết, doanh nghiệp cũng đang trở lại guồng quay sản xuất như bình thường mới.
Theo bà Thu, trước đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình sản xuất nấm khó khăn do phải hạn chế công nhân đảm bảo giãn cách, gặp khó từ khâu vận chuyển đến việc chi phí tăng cao.
"Tuy nhiên, hiện nay, khi Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới, công ty đã hoạt động bình thường. Chúng tôi đang tăng tốc sản xuất để có thực phẩm phục vụ Tết cho người dân", bà Thu chia sẻ.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp kịp thời để giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh
Đặc biệt, dự kiến vào đầu tháng 11 này, lãnh đạo TP Hà Nội sẽ tiếp tục có buổi đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19; cùng doanh nghiệp đưa ra giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới.
Trong cuộc trả lời mới đây, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, trong thời gian tới thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục được ưu tiên; đồng thời, thành phố đôn đốc tiến độ xây dựng các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo điều kiện phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo sự liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô.
Phục hồi sản xuất theo các nhóm nguy cơ
Nhận định dịch Covid-19 đã trong tầm kiểm soát nhưng vẫn chưa hết nguy cơ, không chỉ Hà Nội, các địa phương khác đã triển khai nhiều kịch bản để ứng phó, thích nghi, nối lại chuỗi sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hoá cho người dân.
Theo đó, các địa phương cũng đã phân loại nhóm doanh nghiệp theo các hướng ít nguy cơ, nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất đã tăng nhanh chóng.
Đơn cử, tại TP HCM, tính đến ngày 1/11, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại là 1.342/1.412 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 95%.
Trong đó, số lao động làm việc là 216.000/288.000 lao động, đạt 75%. Riêng tại khu công nghệ cao, theo ghi nhận có 88/88 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 100%) với 145.000 người công nhân viên (đạt 84%).
Còn tại Đồng Nai, theo Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công thương, trên địa bàn tỉnh này có 3.328 doanh nghiệp thuộc nhóm ít nguy cơ, 695 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ thấp và 49 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ trung bình.
Tính đến cuối tháng 10, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp ở Đồng Nai là 1.582/1.713 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 92%) với tổng số lao động đang làm việc là 497.050/615.358 người (đạt tỷ lệ 81%).
Hiện nay, các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang trên đà phục hồi khá tốt, dự tính tháng 10/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tăng hơn 11,2% so với tháng trước, kéo theo xuất khẩu tăng gần 300 triệu USD.
Trong khi đó, tại ngoài khu công nghiệp (thuộc lĩnh vực công nghiệp), tính đến sáng 28/10, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ngoài khu công nghiệp là 298 cơ sở với tổng số lao động đang làm việc là 64.316 người.
Tại các khu công nghiệp Bình Dương, tính đến cuối tháng 10, đã có 1.968 doanh nghiệp tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt trên 96%. Số lượng lao động trở lại làm việc trong các công ty là gần 373.000 người, đạt 76,38%.
Sau khoảng một tháng phục hồi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, nhằm đẩy mạnh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.
Trong đó, nhiều công ty có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục lại hoàn toàn. Hầu hết, người lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp đều đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 và đang tiến hành tiêm phủ mũi 2 nên việc phục hồi sản xuất thuận lợi hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận