Doanh nghiệp startup điêu đứng vì dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trên toàn cầu.
Theo khảo sát từ tổ chức Startup Genome, có khoảng 74% startup tại 45 quốc gia buộc phải sa thải nhân viên toàn thời gian do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phần lớn các startup chỉ còn đủ vốn duy trì trong vài tháng trong khi gần như “tắt hy vọng” về việc huy động được thêm vốn trong ngắn hạn. Điều này sẽ khiến 2/3 số startup phải đóng cửa sau khi dịch Covid-19 kết thúc.
74% startup tại 45 quốc gia buộc phải sa thải nhân viên toàn thời gian do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: KT)
Tại Trung Quốc, trong tháng 3-4, khoảng 57% các thương vụ đầu tư đã sụt giảm trong bối cảnh cả nước bị phong tỏa, cách ly cộng đồng do ảnh hưởng của Covid-19. Trong khi đó, ở Mỹ, các nhà đầu tư mạo hiểm tại thung lũng Silicon hiện đã tạm dừng hoạt động đầu tư và chưa biết khi nào có thể nối lại đầu tư, khiến nhiều startup lâm vào cảnh khốn đốn.
Theo kế hoạch năm 2020, Quỹ tầm nhìn của SoftBank đầu tư vào 88 startup, trong đó có WeWork, Uber và DoorDash, tuy nhiên, đại diện của Quỹ cũng cho biết sẽ chỉ một số ít startup trong danh mục đầu tư này có thể nhận đủ tiền mặt theo kế hoạch vào cuối năm nay.
Các nhà đầu tư từ Greycroft, Menlo Ventures và Mayfield cũng cho biết các công ty đang phải cắt giảm chi phí, thu hẹp kế hoạch tăng trưởng và tập trung duy trì bảo tồn vốn, vì thế rất khó để mở rộng đầu tư vào các startup mới.
Startup khó tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ
Theo ước tính, có khoảng 1/4 số startup trên toàn thế giới đã cho 60% nhân viên nghỉ việc. Startup Genome đánh giá, đây là thảm họa đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các startup có quy mô nhỏ.
Khoảng 1/4 số startup trên toàn thế giới đã cho 60% nhân viên nghỉ việc.
Startup tại Việt Nam cũng không ngoại lệ khi gặp áp lực rất lớn về tài chính. Mặc dù Chính phủ đã có gói hỗ trợ tín dụng để giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng startup thực sự khó có tiếp cận gói tín dụng này.
Đặc điểm chung của startup là sản phẩm vô hình, sản phẩm trí tuệ, không có tài sản thế chấp, nên dù thời điểm nào đi nữa cũng không dễ vay được vốn từ ngân hàng. Ngoài ra, startup có hệ số rủi ro rất cao nên đa số các ngân hàng chẳng mặn mà quan tâm.
Anh Nguyễn Tiến Trường, sáng lập viên một startup về vận chuyển thực phẩm chia sẻ: “Chúng tôi chỉ có thể gọi vốn từ các quỹ đầu tư, nhưng các quỹ dù hoàn thiện các bước hồ sơ online, họ vẫn yêu cầu gặp trực tiếp người sáng lập, điều hành, nghiên cứu kỹ mới đi đến bước rót vốn. Trong thời điểm giãn cách xã hội, mọi thứ đều đình đốn”.
“Không chỉ tại Việt Nam mà ngay tại Thung lũng Silicon hiện nay, hoạt động rót vốn hiện cũng tạm dừng để chờ hết dịch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp nên các startup như chúng tôi cũng chưa biết có thể duy trì được đến khi nào”, anh Trường nói.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng mang tới cơ hội phát triển cho một số startup. Các ứng dụng và dịch vụ liên lạc, đặc biệt là những ứng dụng hỗ trợ gọi video tăng đột biến về số lượt tải về và tần suất sử dụng. Ngoài ra, các dịch vụ cung cấp nội dung giải trí qua internet cũng hưởng lợi từ đại dịch.
Báo cáo từ Startup Genome cũng cho thấy, có khoảng 12% số startup đã ghi nhận tăng doanh thu trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Đa số các startup này hoạt động trong các lĩnh vực như khám bệnh từ xa, giáo dục, ngân hàng, thương mại điện tử, game và streaming.../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận