24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp sản xuất kêu không vay được ngân hàng vì cạn 'room'

Liệu nới room thì các doanh nghiệp có được vay không, hay cũng chảy vào BDS?

Chia sẻ với Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp cho biết khó vay vốn để sản xuất kinh doanh vì ngân hàng không cấp khoản vay mới.

Vốn, tài chính vẫn là bài toán thách thức với các doanh nghiệp sau 2 năm chống chọi với Covid-19 và vấn đề này được nhiều đại diện hiệp hội, doanh nghiệp nêu tại hội nghị gặp gỡ Thủ tướng sáng 11/8.

Xuất khẩu dệt may 7 tháng đầu năm nay, theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), khá thuận lợi, khi đơn hàng dồi dào, lao động dần ổn định sau dịch... với kim ngạch đạt hơn 26,5 tỷ USD, tăng trên 16% so với cùng kỳ 2021. Nhưng ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Vinatas cho hay, sau thời gian dài chống dịch, nhiều doanh nghiệp bị giảm tiềm lực vốn, tài chính.

"Có những đơn vị đọng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) trên 5 tỷ đồng trong thời gian dài, khó khăn cân đối tài chính", ông Cẩm nêu.

Vốn cũng đang là bài toán thách thức của các doanh nghiệp thuỷ sản. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), chi phí sản xuất của ngành đều đã tăng nhiều lần so với trước. Chẳng hạn, thức ăn chăn nuôi tăng trên 20%, chi phí vận tải quốc tế cũng tăng rất cao, khoảng 400 triệu đồng mỗi container đi bờ Tây nước Mỹ...

"Căng" nhất theo ông lúc này là hiện nhiều ngân hàng thông báo không cho vay khoản vay mới, khiến doanh nghiệp không có thêm tài chính cho kế hoạch thu mua nguyên liệu sản xuất. Việc này diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà băng đang cạn room tín dụng. Ông Nam đề nghị cần giải pháp giải quyết câu chuyện tín dụng cho doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất như thuỷ sản.

Doanh nghiệp sản xuất kêu không vay được ngân hàng vì cạn 'room'
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với doanh nghiệp về "chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", ngày 11/8. Ảnh: VGP.

Tương tự, xây dựng, bất động sản cũng là các lĩnh vực được phản ánh bị siết tín dụng. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), hợp đồng xây dựng phần lớn chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị. Thông thường, khi triển khai, doanh nghiệp phải dùng vốn vay ngân hàng mua vật tư, máy móc, chi phí nhân công...

Theo ông Hiệp, thực chất công trường xây dựng cũng phải lo sản xuất, đời sống, việc làm cho người lao động không khác gì một nhà máy, nhưng tín dụng cho các doanh nghiệp xây dựng lại chưa được ưu tiên như sản xuất. Hiện nhiều ngân hàng bị cạn "room", nên cho vay với doanh nghiệp xây dựng bị hạn chế, lãi suất cao.

Chủ tịch VACC kiến nghị Chính phủ có giải pháp ưu tiên về lãi suất với các doanh nghiệp xây dựng, giúp họ giải quyết bài toán nợ đọng, vốn. "Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn các nhà băng bổ sung ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, nhất là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất", ông nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho biết thị trường này đang có dấu hiệu "giảm tốc", còn doanh nghiệp ngành này lại đang "hụt hơi", khó tiếp cận vốn ngân hàng, vốn trái phiếu. Thủ tướng từng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường. Tại hội nghị, ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước "thực hiện chỉ đạo này".

Trước những thách thức của doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành đẩy nhanh gỡ khó về pháp lý hoặc thủ tục đầu tư xây dựng với dự án bất động sản; tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy với dự án xây dựng; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19...

Cùng đó, các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của giá xăng dầu, như ngư dân bám biển, doanh nghiệp vận tải, người có thu nhập thấp; giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Về dài hạn, việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại lao động... là những quyết sách căn cơ, theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, sẽ giúp doanh nghiệp, ngành hàng phát triển bền vững.

Phát biểu mở đầu hội nghị trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét, cùng thời gian này năm ngoái "ai cũng lo âu vì dịch bệnh", nhưng nhờ kiểm soát tốt nên hai năm qua và nửa đầu năm nay Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng. Biến động địa chính trị trên thế giới vẫn phức tạp, chưa dừng lại trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, nên theo Thủ tướng, mục tiêu lớn nhất và xuyên suốt hiện nay vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả