24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hoàng Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp sản xuất đối mặt nguy cơ mất đơn hàng

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến DN ngành may.

 Một tập đoàn lớn của nước ngoài đã rút đơn hàng 100 triệu USD ra khỏi doanh nghiệp (DN) của ngành liên quan đến sự bất nhất giữa các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 16. Đây là thông tin được đại diện một hiệp hội DN cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2021 vừa diễn ra. Đáng lo ngại, đây không phải là DN sản xuất duy nhất đứng trước nguy cơ mất đơn hàng.

Doanh nghiệp chồng chất khó khăn

Điều quan trọng nhất với các DN ngành may là đơn hàng và thị trường cung ứng sản phẩm, thế nhưng, đại dịch Covid-19 bùng phát trong hơn một năm qua, nhất là từ đầu tháng 7/2021 đến nay, đã ảnh hưởng nặng nề tới cả hai điều này.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2021, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may phía Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn khi khách hàng đang chuyển đơn hàng ra khỏi thị trường Việt Nam.

Ông Giang cho rằng, tiêu chí trong việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đang thiếu tính xuyên suốt, đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho DN.

“Một sản phẩm dệt may không chỉ có vải, kim, chỉ, mà còn nhiều nguyên liệu phụ trợ khác. Trong khi đó, các nguyên liệu phụ trợ này lại bị các cơ quan kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh cho rằng không phải là hàng thiết yếu nên không cho DN qua chốt kiểm soát dịch”, ông Giang cho biết và lo ngại chuỗi cung ứng của ngành có nguy cơ đứt gãy.

Cũng chính bởi sự bất nhất giữa các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 16, Hiệp hội Dệt may vừa nhận được chất vấn từ một tập đoàn lớn của nước ngoài về việc tại sao cùng thực hiện Chỉ thị 16 nhưng có nơi DN sản xuất được, có nơi lại không?. “Họ đã rút một đơn hàng trị giá 100 triệu USD ra khỏi DN cũng vì sự bất nhất này”, ông Giang cho biết.

Với DN ngành gạo, chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động bất lợi tới sản xuất kinh doanh nói chung và DN ngành gạo nói riêng. Thực tế là đã có một số DN bị hủy đơn hàng.

Theo ông Bình, khó khăn nổi cộm với DN hiện nay là vấn đề lưu thông hàng hóa giữa các địa phương do mỗi nơi có một cách hiểu khác nhau về hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, chi phí vận tải biển tăng rất cao… đang bào mòn sức khỏe của DN.

Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có văn bản “cầu cứu” các cơ quan chức năng khi hàng loạt DN trong ngành có nguy cơ mất các thị trường lớn mà nguyên nhân lớn nhất là chi phí logistics tăng chóng mặt. Theo VPA, thời gian gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng mua tiêu từ Brazil vì chất lượng không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam, quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

Đứt gãy sản xuất, thiệt đơn, thiệt kép

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, vừa qua, Chính phủ đã có văn bản tháo gỡ khó khăn cho DN với tinh thần quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”. Tuy vậy, vẫn có địa phương cứng nhắc trong việc thực hiện, cần rút kinh nghiệm, không để ách tắc, vì DN nhỡ một chuyến hàng, nhỡ một chuyến đi là khó khăn trong sản xuất, nhất là trong bối cảnh DN đang rất khó khăn như hiện nay.

Về việc chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, đây là cuộc chiến lâu dài, không thể ngày một, ngày hai. Vì thế, các DN với vai trò quan trọng trong nền kinh tế cần có những giải pháp thiết thực, khả thi để giữ vững pháo đài chống dịch, giữ cho DN là một đơn vị “xanh” để thúc đẩy sản xuất kinh doanh an toàn, tránh tình trạng ùn ứ hoặc thiếu nhân công...

Về phía DN, Hiệp hội Dệt may đề xuất Chính phủ đánh giá thực trạng của các khu công nghiệp, trong đó có khu công nghiệp dệt may ở các địa phương để có chính sách ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động và người dân. Cùng với đó, cần phải mở cửa để DN phát triển, nếu không DN sẽ bị đứt gãy chuỗi sản xuất, thiệt đơn, thiệt kép về dài hạn.

Ông Bình cho rằng, cần thiết phải tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, tránh gây khó khăn, ách tắc cho DN. Đồng thời, DN cũng phải bảo đảm sản xuất “3 tại chỗ” trong khả năng của DN để vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh.

“Hiện nay, DN xuất khẩu cũng được DN vận tải hỗ trợ với việc chuyển hẳn container đến tận DN, giúp DN đóng hàng thay vì DN chở hàng đến cảng đóng hàng xuất như trước”, ông Bình cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều DN đề xuất Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về chi phí, dòng tiền cho DN, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm sớm vượt qua thách thức của đại dịch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả