24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trương Thanh Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp phòng tránh rủi ro nào khi giao dịch điện tử?

Ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lưu ý tầm quan trọng của việc lưu giữ dữ liệu khi giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), đề phòng các trường hợp phát sinh tranh chấp.

Đại diện VIAC đã dẫn chứng trường hợp một doanh nghiệp Việt Nam, tham gia điện tử xuyên biên giới, khi giao dịch chỉ dùng thiết bị điện tử không dây là điện thoại di động. Doanh nghiệp này sau đó bị lừa, đã chuyển tiền nhưng không nhận được hàng.

“Khi ra nước ngoài, người của doanh nghiệp vẫn có thể liên lạc với bên lừa đảo bằng di động. Thậm chí cảnh sát sở tại cũng nói chuyện với người lừa đảo kia bằng di động nhưng cảnh sát cho rằng, họ cũng không biết số điện thoại đó có phải của nước của họ không? Sau đó, doanh nghiệp nhìn hợp đồng, gọi điện thoại theo số hợp đồng, phát hiện điện thoại thiếu một số. Các địa chỉ trên hợp đồng đều là địa chỉ ma hoặc là địa chỉ của một đơn vị khác”, ông Ngô Khắc Lễ cho biết.

Để tránh rủi ro, Trọng tài viên Ngô Khắc Lễ khuyên doanh nghiệp khi giao dịch điện tử, đầu tiên phải điều tra đối tác cụ thể, xác định rõ phương thức lưu giữ thông tin. Nhiều người dùng zalo, viber, lẫn lộn việc chung riêng, đến khi có tranh chấp, không phân tách được. Khi được yêu cầu hồ sơ để giải quyết tranh chấp, không lưu lại được các bản các bên đã sử dụng. Thực tế, có những bản trên điện tử có thể tự động xóa khi đối tượng thay đổi. Vì vậy, các doanh nghiệp phải lưu giữ được các thông tin, văn bản để khi tranh chấp có thể kiểm tra; có thể sao lưu những email, đoạn chat ra nhiều nơi, khi có tranh chấp có thể mang máy tính đến để lấy được văn bản.

Trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Trọng Tĩnh, Giám đốc Kênh bán hàng và Phân phối ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) nhận thấy, có 5 rủi ro phổ biến.

Đầu tiên là rủi ro thương mại: Người nhập khẩu chậm hoặc không thanh toán, biến động giá cả thị trường do chính trị, thiên tai...Theo ông Nguyễn Trọng Tĩnh, để hạn chế, doanh nghiệp cần thực hiện biện pháp thẩm định thông tin đối tác thận trọng (KYC), chỉ chọn đơn vị tin cậy, có lịch sử thanh toán đúng hạn. Nên chia thành nhiều đợt chuyển tiền (đặt cọc, chuyển một phần, chuyển hết khi nhận đủ hàng, kết hợp các phương thức thanh toán khác nhau như 30% bằng TT (chuyển tiền bằng điện), 70% bằng L/C (thư tín dụng).

Thứ hai là rủi ro biến động tỷ giá. Tại MSB có bộ phận nghiên cứu thị trường từ đó đưa ra báo cáo biến động ngắn và dài hạn, cung cấp cho doanh nghiệp lựa chọn giải pháp tài chính phù hợp. "Chúng tôi cũng cung cấp giải pháp bảo hiểm rủi ro tỷ giá, tránh ảnh hưởng kết quả kinh doanh", đại diện MSB cho biết.

Thứ ba là rủi ro về đạo đức như người nhập khẩu không nhận hàng, từ chối thanh toán; người chở hàng biến mất, rút ruột, làm hỏng hàng; người giao nhận chứng từ cấu kết người mua rút ruột thay thế bộ chứng từ để đi lấy hàng... Đại diện MSB kiến nghị có biện pháp KYC (biết khách hàng của bạn) đối tác, lựa chọn đối tác có quan hệ lâu năm, kết hợp phương thức trả trước một phần hoặc bảo lãnh ngân hàng; chọn hãng vận tải uy tín, có tên tuổi hoặc chọn phương thức thanh toán không phải thuê vận tải, lộ trình chuyên chở kiểm soát online.

Thứ tư là pháp lý. Khi doanh nghiệp hạn chế kiến thức có thể xác lập hợp đồng với quyền lợi bất lợi, cần lập bộ phận chuyên trách hoặc sử dụng lĩnh vực tư vấn chuyên sâu về luật pháp quốc tế.

Cuối cùng là rủi ro về vận hành. Có trường hợp trình độ tham gia của các bên còn yếu dẫn đến sai sót từ khâu soạn hợp đồng, lập chứng từ dẫn đến khả năng chậm hoặc không được thanh toán.

Đề cập về TMĐT Việt Nam trong dịch bệnh COVID-19, Bộ Công Thương đã triển khai điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp nội địa, cho thấy hai năm gần đây (năm 2020, 2021), tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam vẫn giữ vững 17% một năm. Năm 2021 doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trung bình là 270USD mỗi người trong một năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả