Doanh nghiệp phía Nam: Đa dạng giải pháp bình ổn thị trường cuối năm
Trước tình trạng giá cả hàng hóa thiết yếu có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp bình ổn tại phía Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để có thể bình ổn thị trường, nhất là trong thời điểm mua sắm cuối năm này.
Quyết tâm giữ giá hàng hóa
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, sau thời gian sản xuất trong điều kiện chống dịch với rất nhiều khó khăn, thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất trong hiệp hội đang bắt đầu ổn định để chuẩn bị hàng hóa cho những tháng cuối năm. Trong suốt mùa dịch, các doanh nghiệp này đã nỗ lực không tăng giá bán hàng hóa, kể cả những đơn vị không tham gia chương trình bình ổn giá. Dù vậy, theo bà Chi, hiện này áp lực chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao vì thế buộc doanh nghiệp phải tính toán lại mặt bằng giá mới trong thời gian tới.
Không chỉ nhà sản xuất mà ngay cả các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ cũng cho hay áp lực tăng giá đang khiến họ phải nỗ lực hơn rất nhiều mới cho ra được chương trình khuyến mãi cuối năm. Lý do, hiện nay chi phí vận hành, chi phí lao động cũng như chi phí đầu vào đều chịu áp lực tăng giá. “Để tiết giảm chi phí cũng như đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh chúng tôi đang hạn chế tổ chức các sự kiện, chương trình kích cầu tại điểm bán, thay vào đó là tập trung vào các ưu đãi về giá cho các sản phẩm thiết yếu, tiếp tục đẩy mạnh các phương thức mua sắm trực tuyến...”- đại diện nhà bán lẻ AEON tại TP. Hồ Chí Minh cho hay.
Trên thực tế, dù doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ rất nỗ lực gồng mình giữ giá tuy nhiên giá hàng hóa, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các tỉnh, thành phía Nam đã có sự điều chỉnh tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại một số điểm bán, chợ truyền thống khu vực TP. Hồ Chí Minh- cho thấy, hiện giá cả nhiều loại hàng hóa như cà chua, xà lách, cải bó xôi, dầu ăn, nước mắm, gia vị… đã tăng từ 30-100% so với trước dịch. Việc tăng giá này đang trở thành áp lực lớn, đè nặng lên người tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập sụt giảm.
Phát huy vai trò của doanh nghiệp bình ổn
Trong bối cảnh hàng hóa xu hướng tăng, ngành Công Thương tại phía Nam cho biết sẽ phát huy vai trò của những doanh nghiệp bình ổn để kìm giá, góp phần ổn định thị trường. Điển hình tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, theo ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố, trước tình hình giá cả nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu có xu hướng tăng, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường, điều tiết, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là trong thời gian cuối năm này.
Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp chủ lực như Vissan, Ba Huân, San Hà, C.P… đều có những sản phẩm tham gia bình ổn thị trường với giá thấp hơn từ 5-10%. “Hiện tại chúng tôi đã cân đối sản xuất và cam kết không tăng giá, thậm chí còn đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để chia sẻ với người tiêu dùng”- bà Phạm Thị Huân khẳng định.
Với doanh nghiệp bán lẻ, ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op- cho biết, để có thể giữ và giảm giá hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu, Saigon Co.op sẽ tùy theo diễn biến thực tế để áp dụng các giải pháp cụ thể. Đặc biệt, Saigon Co.op có các hợp đồng chiến lược ổn định giá cả hàng hóa dài hạn, đồng thời luân phiên thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá định kỳ với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, nhiều nhãn hàng nhằm mang tới những sản phẩm giá hợp lý cho khách hàng.
Theo đó, trong suốt 58 ngày, từ cuối tháng 11 đến Tết Nguyên đán 2022, Saigon Co.op sẽ liên tục tổ chức các chương trình giảm giá phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trên cả nước. Các mặt hàng trong chương trình giảm giá được chọn lựa theo mùa, theo nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn trong tháng 12 sẽ tập trung vào các mặt hàng Giáng sinh, đón năm mới và dịp gần tết là những mặt hàng ẩm thực truyền thống như bánh chưng, bánh mứt tết, hàng trang trí, vệ sinh nhà cửa…
Ngoài sự chủ động trên, để chia sẻ áp lực khó khăn trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp cho rằng, Chính quyền và các ngành cần hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu với các tổ chức tín dụng nhằm giúp họ tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Từ đó giúp doanh nghiệp có đủ nguồn vốn dự trữ hàng hóa, nguyên liệu sản xuất để bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa dịp cuối năm và thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận