Doanh nghiệp 'phản pháo' hàng loạt quy định mập mờ, gây tốn kém
Các doanh nghiệp cho biết, nhiều quy định bất cập, chưa được lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đang được các bộ, ngành đưa vào dự thảo khiến doanh nghiệp hết sức quan ngại vì có thể gây tốn kém, lãng phí khi thực hiện.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao vừa gửi tới các bộ, ngành góp ý dự thảo "Thông tư hướng dẫn về nội dung và cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm".
Theo đó, năm hiệp hội đề nghị bỏ toàn bộ nội dung định nghĩa quy định về “Đồ uống có đường” tại Khoản 8 Điều 3 vừa được Ban soạn thảo bổ sung.
Các doanh nghiệp cho rằng, định nghĩa mới về “Đồ uống có đường” không phù hợp với quy định quốc tế. Bởi hiện nay, theo phân loại thực phẩm của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế, không có nhóm “Đồ uống có đường” mà chỉ có nhóm “Nước giải khát, loại trừ sản phẩm sữa”, đồng thời chứa phân nhóm con “nước giải khát không cồn”, và nhóm “Đồ uống hương liệu”.
Các tài liệu khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới cũng không sử dụng từ “Đồ uống có đường” mà sử dụng từ “Nước giải khát bổ sung đường”.
“Việc đưa cụm từ này vào dự thảo không phù hợp với thực tiễn Việt Nam và các quy định hiện hành, đồng thời gây chồng chéo khi thực hiện”, các hiệp hội cho hay.
Các hiệp hội cho rằng, dự thảo lần này Ban soạn thảo đã bổ sung thêm một số nội dung mới có phạm vi điều chỉnh rất lớn nhưng thiếu căn cứ và chưa được lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 5, Ban soạn thảo đã chuyển nội dung “nước giải khát” thành “đồ uống có đường, thực phẩm có thành phần carbohydrat”.
Cùng với đó, tại Khoản 4 và Khoản 5, Ban soạn thảo bổ sung yêu cầu đối với “sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, thực phẩm dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi” ghi thêm chỉ tiêu “đường tổng số, chất béo bão hòa” và ghi thông tin “cảnh báo đối với sản phẩm có chứa nhiều đường, nhiều muối”.
Các hiệp hội cho rằng, hiện chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào cho thấy quan ngại về thành phần đường, chất béo bão hòa và muối trong các sản phẩm này. Việc thay đổi yêu cầu sẽ khiến đa số các loại thực phẩm đều sẽ bị ảnh hưởng do hầu hết đều chứa cả 3 dưỡng chất là đạm, chất béo, carbohydrat...
Câu chuyện dự thảo các quy định của một số bộ ngành đang bộc lộ nhiều vấn đề không chỉ diễn ở lĩnh vực thực phẩm, mới đây, 14 hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp các lĩnh vực từ thủy sản, sữa, bia, rượu, nước giải khát, dệt may, gỗ và lâm sản, đến lĩnh vực xe máy, ô tô, thuốc bảo vệ thực vật; doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam... đều bày tỏ lo ngại về các quy định trong dự thảo quyết định về ban hành định mức chi phí tái chế ...
Theo các doanh nghiệp, định mức chi phí tái chế mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng chưa hợp lý, có thể gây khó cho doanh nghiệp đang thực hiện.
Theo các doanh nghiệp, có một số bất cập nổi cộm cần được tính toán lại cho phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Cụ thể, định mức chi phí tái chế trong dự thảo được tính toán dựa vào các nghiên cứu tham vấn có kết quả chênh lệch nhau rất lớn, do vậy không có độ tin cậy. Hơn nữa, định mức chi phí tái chế đề xuất trong dự thảo chưa hợp lý và đang cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước khác.
Bên cạnh đó, công thức tính chi phí tái chế như trong dự thảo hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì. Do vậy, chi phí tái chế đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.
Các hiệp hội cũng kiến nghị cần có chính sách ưu đãi cho các loại bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế; thay đổi cách nộp quỹ... Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp đang vật lộn với khó khăn, việc triển khai chính sách cần hướng tới hiệu quả và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận