Doanh nghiệp ồ ạt chạm, quẹt thanh toán
Hưởng ứng xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt do ngành Ngân hàng phát động, hàng chục ngàn DN ở mọi lĩnh vực đã bắt đầu đa dạng hóa cách thức trả tiền mua sắm sản phẩm, dịch vụ.
Thực tiễn không cần bắt buộc
Hơn 2 năm trước đây, trong bối cảnh thanh toán trực tuyến chưa được nhiều DN áp dụng, tại một hội nghị tổng kết hoạt động thanh toán thẻ, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã đưa ra thông tin bộ này sửa đổi quy định về kinh doanh thương mại điện tử. Theo đó, bắt buộc các DN kinh doanh qua mạng internet sẽ phải áp dụng hình thức thanh toán qua thẻ và trên website của DN phải có phần hướng dẫn khách hàng thực hiện thanh toán trực tuyến.
Thông tin trên của vị đại diện Bộ Công thương sau đó đã không được luật hóa một cách cụ thể, bởi Nghị định 08/2018 (sửa đổi một số điều, khoản của Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử) ban hành vào tháng 1/2018, Chính phủ đã không quy định chi tiết các điều khoản bắt buộc về thanh toán trực tuyến hoặc yêu cầu các DN thương mại điện tử phải áp dụng hình thức thanh toán qua thẻ để tăng sự lựa chọn cho khách hàng.
Tuy nhiên, thực tiễn tiện lợi và hữu ích thì đôi khi không cần các chế tài và ràng buộc từ các quy định về quản lý hành chính. Bởi chỉ trong vòng hơn 2 năm vừa qua, với sự bùng nổ của công nghệ thanh toán và nhu cầu của người tiêu dùng, từ chỗ chỉ có một số ít DN áp dụng các hình thức quẹt thẻ tính tiền, đến hiện nay con số DN áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như sử dụng máy POS, sử dụng mã phản hồi nhanh QRCode đã lên tới hàng triệu đơn vị.
Theo thống kê của CTCP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay), hiện nay chỉ riêng tại TP. Hà Nội và TP. HCM đơn vị này đã kết nối với 19 NHTM để triển khai ứng dụng VNPayQR đối với 3.600 DN, cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng mã phản hồi nhanh. Tính chung cả nước hiện VNPayQR đã được kết nối với 20.000 điểm thanh toán khác ở toàn bộ 63 tỉnh, thành. Trong khi đó, VNPay cũng đã liên kết với khoảng 250 DN trong mọi lĩnh vực để triển khai hình thức thanh toán QRCode trên website của các đơn vị kinh doanh này.
Ở một DN công nghệ tài chính khác là M_Service tình hình cũng diễn ra tương tự. Với ứng dụng ví điện tử MoMo hiện nay, đơn vị này đã liên kết chặt chẽ với 17 NHTM cung cấp dịch vụ thu hộ, chi hộ cho hơn 100 đối tác là DN trên toàn quốc. Hiện M_Service cũng đã phát triển hơn 100.000 điểm thanh toán bằng mã QRCode tại các DN, cửa hàng trên cả khu vực các thành phố lớn và vùng nông thôn.
Quan sát cho thấy, hầu hết các loại hình DN từ dịch vụ viễn thông, văn phòng, mỹ phẩm, máy tính, lương thực phẩm… đến các DN hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục như các trường học, bệnh viện, trung tâm y khoa… cũng đều đã áp dụng hình thức thanh toán QRCode. Ngay cả các đơn vị hành chính công như: Đại học Quốc gia TP.HCM, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh Cà Mau… cũng đã bắt đầu sử dụng hình thức quét mã trả tiền như một hình thức giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng chất lượng phục vụ người dân.
Bắt tay khuyến mãi thanh toán
Trong bối cảnh vài chục ngàn DN trên cả nước đã kết nối và chấp nhận các hình thức thanh toán phi tiền mặt, hiện nay hàng loạt các khuyến mãi đã được các đơn vị đưa ra để kích cầu tiêu dùng trong chương trình “ngày không tiền mặt” do NHNN phát động và chỉ đạo nội dung.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, để hưởng ứng ngày không tiền mặt 16/6, hiện nay các NHTM như: Sacombank, MaritimeBank, BIDV, SHB, VPBank, CB… đã kịp thời thiết kế các chương trình khuyến mãi thanh toán khá hấp dẫn.
Theo đó, Sacombank sẽ hoàn tiền 100.000 đồng cho các giao dịch mua hàng từ 200.000 đồng đối với 5.000 khách hàng, đồng thời miễn phí tất cả các giao dịch như chuyển khoản ngoài hệ thống, chuyển tiền nhận bằng di động… Phía MaritimeBank, SHB và BIDV cũng khuyến mãi tương tự khi cam kết hoàn 10-20% giá trị thanh toán cho khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng MSB Visa Online để mua sắm trực tuyến; áp dụng lãi suất 0% cho khách hàng khi mua sắm tại các trang thương mại điện tử lớn hoặc mua hàng tại hệ thống siêu thị BigC, Qmart và thanh toán bằng QRCode của các nhà băng liên kết.
Ở phía các DN, các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và các trang thương mại điện tử việc khuyến mãi cho khách hàng thanh toán trực tuyến cũng sôi động không kém.
Đại diện trang mua sắm Shopee, cho biết ứng dụng đơn vị này sẽ tặng mã giảm giá 20% cho toàn bộ khách hàng trong tháng 6/2019. Nếu khách hàng dùng các phương thức thanh toán trực tuyến sẽ được Shopee sẽ hỗ trợ miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 99.000 đồng. Trong khi đó, các chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn như Saigon Co.op, FPT Shop… cũng lần lượt đưa ra khuyến mãi giảm đến 50% cho nhiều mặt hàng nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ hoặc bằng QRCode của các đơn vị trung gian liên kết.
Nhận định về sự sôi động của các NHTM, các DN thương mại điện tử và các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong việc gia tăng khuyến mãi kích thích người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng đó là một biểu hiện rất tích cực của thị trường, cho thấy khả năng lan tỏa của trào lưu thanh toán phi tiền mặt là rất lớn.
Theo ông Dũng, năm nay là năm đầu tiên chương trình “ngày không tiền mặt” được phát động và triển khai trên diện rộng. Với những hoạt động truyền thông mạnh mẽ, đi kèm với các ưu đãi, khuyến mãi thiết thực từ hàng chục ngàn DN như vậy, chắc chắn số lượng người tiêu dùng quan tâm đến các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng lên đáng kể. Sự nhanh chóng, tiện lợi trong giao dịch và các ưu đãi thiết thực về giá cả, chi phí vận chuyển sẽ góp phần giữ chân khách hàng sử dụng lâu dài các ứng dụng thanh toán trực tuyến.
Trong khi đó, khi tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên sẽ khiến các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ chú trọng hơn đến nhóm khách mua hàng trả tiền trước và duy trì lâu dài các ưu đãi, khuyến mãi khi thanh toán trực tuyến. Từ đó tạo ra sự công bằng giữa các hình thức thanh toán hàng hóa và tạo ra thói quen dùng tiền mới cho người tiêu dùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận