24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Vinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp nước ngoài bi quan về triển vọng kinh tế của Hong Kong

Làn sóng bạo lực không ngừng leo thang và tình hình chính trị bế tắc ở Hong Kong (Trung Quốc) đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại đặc khu hành chính này.

Tâm lý bi quan của các doanh nghiệp

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hong Kong đã hối thúc chính quyền khu hành chính đặc biệt này đáp ứng nguyện vọng của người dân, khôi phục niềm tin kinh doanh. Ông Tara Joseph, Chủ tịch Hiệp hội này, cho biết hầu hết các công ty được khảo sát đều cho rằng chính quyền Hong Kong cần giải quyết nguyên nhân căn bản của các cuộc biểu tình, thay vì chỉ sử dụng giải pháp ngắn hạn về pháp luật và trật tự để che đậy sự rạn nứt bất ổn trong xã hội.


Cuộc khảo sát được tiến hành với 1.268 doanh nghiệp thành viên vào tháng 7/2019 cho thấy, 38,6% số doanh nghiệp tỏ ra bi quan về triển vọng ngắn hạn của Hong Kong, song họ vẫn tin rằng môi trường kinh doanh của đặc khu hành chính này sẽ được phục hồi. Trong khi đó, 33,2% doanh nghiệp được hỏi nói rằng trước ảnh hưởng nặng nề đó, triển vọng dài hạn của Hong Kong khó có thể được phục hồi.


Các cuộc xung đột bạo lực đã nổ ra liên tiếp trong hai ngày cuối tuần trước khiến chỉ số Hang Seng Index của Hong Kong giảm 1,3% trong phiên 29/7, cho thấy sự sụt giảm nhiều so với các chỉ số chứng khoán châu Á khác. Hong Kong trong nhiều thập kỷ qua luôn là một trung tâm tài chính và thương mại quan trọng đối với châu Á. Rất nhiều công ty quốc tế lớn đã đặt trụ sở Trung Quốc hoặc châu Á tại Hong Kong. Trong những năm gần đây, mặc dù Bắc Kinh trên thực tế đã kiểm soát rất nhiều vấn đề ở Hong Kong, song so với Trung Quốc đại lục, Hong Kong vẫn được coi là nơi có tự do ngôn luận và báo chí tương đối nới lỏng, sự kiểm soát của chính phủ đối với giới kinh doanh cũng khá lỏng lẻo, trong khi nền tư pháp cũng được cho là tương đối độc lập.


Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hong Kong nhấn mạnh một môi trường kinh doanh tốt không thể tách rời các yếu tố quan trọng như luật pháp, công khai các vấn đề chính trị, trao đổi thông tin tự do và công bằng, với các cuộc biểu tình ôn hòa và bày tỏ nguyện vọng chính trị là thành phần cốt lõi của những yếu tố này.


Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hong Kong vào năm 2018 cũng cho thấy, hơn 50% số người được hỏi cảm thấy lo lắng về tình hình pháp trị ở Hong Kong. Những người đứng đầu giới doanh nghiệp được khảo sát đã dẫn ví dụ về việc Chính quyền Hong Kong vào năm ngoái đã từ chối cấp visa làm việc cho một phóng viên, động thái mà họ cho là một trở ngại lớn đối với sự độc lập của Hong Kong.


Nhức nhối vấn nạn giả mạo thông tin

Trong khi đó, theo tờ “Thương báo” (Hong Kong), trong “cơn bão” biểu tình tại Hong Kong hiện nay, việc xuất hiện những thông tin giả mạo chưa được kiểm chứng hoặc thậm chí cố tình tạo ra là tương đối phổ biến. Trong khi đó, người dân không thể tiếp cận được các thông tin tổng hợp mang tính khách quan và toàn diện, khiến tình hình trở nên rất tồi tệ.


Hiện nay, các bài viết, bình luận và thông tin liên quan đến hoạt động kháng nghị, biểu tình phản đối sửa đổi “Điều lệ trao đổi tội phạm bỏ trốn” (Luật Dẫn độ) đã tràn ngập các mặt báo và chiếm không gian lớn trên các phương tiện truyền thông trực tuyến, mạng xã hội Hong Kong.


Chủ đề này cũng là tiêu điểm quan tâm của đa số người dân Hong Kong hiện nay giữa bối cảnh làn sóng biểu tình và bạo lực vẫn đang leo thang. Tuy nhiên, các bài báo và thông tin liên quan ngày càng nhiều, lượng thông tin chuyển phát trên truyền thông, báo chí ngày càng lớn, song lại không cho người ta thấy rõ đầu đuôi câu chuyện, trong khi sự hỗn loạn do các cuộc xung đột, đối đầu giữa người biểu tình với lực lượng Cảnh sát gây ra đang khiến tình hình căng thẳng ngày càng leo thang.


Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này xuất phát từ những thông tin giả mạo mang tính phiến diện, một chiều, thậm chí mang tính kích động và gây thù hận, không ngừng lan truyền, tán phát trên các phương tiện truyền thông trực tuyến và mạng xã hội.

Tờ “Thương báo” cho rằng, phương tiện truyền thông và nền tảng mạng xã hội mới giúp truy cập thông tin dễ dàng và nhanh hơn, tuy nhiên, việc tán phát và ngụy tạo thông tin đã khiến nhiều tin tức giả mạo tràn ngập, có thể bị lợi dụng cho các mục đích xấu như việc những người có ý đồ cố gắng tiếp tục tạo ra mâu thuẫn và hỗn loạn ở Hong Kong không ngừng truyền bá, tán phát các thông tin mang tính cực đoan, thù hận.

Trong thời đại truyền thông mới, không phải mọi người dân đều có khả năng phân biệt thông tin thật và giả, nếu trên mạng xã hội bạn nhìn thấy những thông tin được đăng tải hoặc chia sẻ bởi bạn bè hoặc người thân, cho dù đó là thông tin sai lệch, giả mạo nhưng cũng có thể khiến nhiều người tin rằng đó là thông tin có thật.


Điều phải cảnh tỉnh là truyền thông mới sẽ khiến thông tin mà người dân tiếp cận ngày càng đơn nhất và hạn hẹp hơn, bởi vì công nghệ mới sẽ tiếp tục đưa ra các thông tin tương tự hoặc liên quan dựa trên lịch sử trình duyệt web của người dùng. Điều này có thể khiến họ bị nhốt trong một “cái lồng thông tin” trong một thời gian dài, chỉ nghe thấy hoặc nhìn thấy một khía cạnh của một quan điểm hoặc thực tế.


Sự tồn tại của thông tin giả mạo không chỉ phá hủy đạo đức nghề nghiệp và các quy tắc trong giới truyền thông, mà còn có tác động nghiêm trọng đến xã hội. Đặc biệt là khi đề cập đến các sự kiện chính trị xã hội quan trọng, các thông tin chưa qua xác minh và đưa tin khách quan sẽ khiến công chúng mất đi sự hiểu biết về sự thật và phân biệt thật giả, trong khi rất nhiều thông tin mang tính chất kích động có thể sẽ làm nóng các phong trào xã hội và kích động bạo lực nhiều hơn, như trong cơn bão liên quan phản đối Luật dẫn độ thời gian qua tại Hong Kong.


Vào thời điểm xã hội Hong Kong đầy hỗn loạn và đối lập, khi đứng trước những thông tin đa dạng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, người dân phải học cách xác định độ tin cậy của nguồn tin và sự chân thực của thông tin, một trong những biện pháp tương đối hiệu quả là đọc kỹ các thông tin được các cơ quan truyền thông chuyên nghiệp phát hành.

Trong quan hệ công chúng, cần chủ động sử dụng phương tiện truyền thông và các nền tảng mạng xã hội để trực tiếp kết nối với công chúng, lập tức phản hồi những chất vấn, đặc biệt là kịp thời làm rõ những suy đoán vô căn cứ và những tin tức giả mạo để tránh lan truyền tâm lý hoảng loạn, phẫn nộ và thù hận trong công chúng.

Tờ “Thương báo” nhấn mạnh, ảnh hưởng và những tác hại của tin tức giả mạo trong các sự kiện chính trị xã hội quan trọng không thể xem nhẹ. Mỹ đã từng nếm trải nhiều thông tin giả mạo trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016. Những người ủng hộ ông Trump đã sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền những thông tin tốt đẹp về ông, cũng như phát tán những thông tin giả mạo công kích đối thủ Hillary Clinton. Rất nhiều tin tức sai lệch về bà Hillary đã giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống. Một số nhà phân tích sau đó đã xác thực về sự can thiệp của mạng xã hội vào cuộc bầu cử ở Mỹ./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả