Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều thách thức khi thực hiện chuyển đổi số
Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Để chuyển đổi số, các doanh nghiệp (DN) cần ba yếu tố cơ bản là tài chính, nguồn nhân lực và một chính sách hỗ trợ min
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia, lãnh đạo DN tham gia buổi Toạ đàm “Hiểu đúng về chuyển đổi số trong DN sản xuất”, do Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) tổ chức mới đây.
Ông Nguyễn Viết Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC - Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh đã đề cập về những bất cập của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về chuyển đổi số hiện nay và những lợi thế, kinh nghiệm từ những doanh nghiệp nước ngoài đã đi trước.
Cụ thể, ở các nước tiên tiến trên thế giới, chuyển đổi số đã được nhiều DN áp dụng và mang lại hiệu qủa cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chẳng hạn như Intel, Samsung Electronics, IBM…Tại Việt Nam, đến nay đã có một số DN thực hiện chuyển đổi số và mang lại hiệu suất cao trong quản trị, điều hành sản xuất, tiết giảm chi phí, nguồn nhân công, xúc tiến đầu tư, giao thương. Tuy nhiên, số DN tham gia chương trình chuyển đổi số hiện nay còn rất ít ỏi, trong khi cơ hội cần và đủ từ chủ trương, điều kiện thuận lợi từ thị trường, kinh nghiệm của các DN đi trước đã có.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ Khí Duy Khanh - kiêm Chủ Tịch HAMEE - cho biết, Duy Khanh là DN tiên phong ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện chuyển đổi số từ 5 năm trước đây và thực tế đã mang lại hiệu qủa cho công ty thấy rõ, từ khâu tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua tự động hóa. Ông Tống đánh giá, từ khi thực hiện chuyển đổi số, khâu vận hành công ty, kết nối giao thương, giao dịch với đối tác, khách hàng cực kỳ thuận lợi. Vì vậy, DN nào sớm thực hiện chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhất là khi hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng gắn chặt và phụ thuộc vào nền kinh tế số, vốn đang phát triển nhanh từng ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, sau 4 năm thực hiện chuyển đổi số, FPT đã hoàn tất việc xây dựng cơ cở dữ liệu về khách hàng, kinh doanh, đối tác, người sản xuất. Nhờ áp dụng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, FPT đã nâng cao được năng suất lao động lên gấp 3 lần so với trước đây. Việc làm chủ công nghệ số, làm chủ được các mô hình kinh doanh mới, giúp DN cải tiến quy trình làm việc trong nội bộ, tạo ra một môi trường điều hành tốt, giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí và tăng hiệu quả sản xuất của người lao động.
Phó GS.TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, đối với các DN hiện nay, kế hoạch chuyển đổi số cần hai điều kiện là nguồn tài chính và nguồn nhân lực. Các DN có tài chính dồi dào thì mới đầu tư, mua sắm trang thiết bị được; khi có hạ tầng rồi lại phải cần một đội ngũ nhân lực đủ chuyên môn, tinh thông để vận hành. Tuy nhiên đa số các DN ở Việt Nam hiện nay lại là DN nhỏ và siêu nhỏ, vì thế công cuộc chuyển đổi số đối với số đông DN còn gặp nhiều khó khăn và chưa dễ dàng để thực hiện.Để hiện thực hoá công cuộc chuyển đổi số trong các DN hiện nay, theo ông Giáp Văn Thanh - Tổng giám đốc Công ty Panel Phương Nam, muốn chuyển đổi số trong sản xuất thì cần bắt đầu từ công nghệ, đặc biệt là tư tưởng từ cấp lãnh đạo DN. Các cấp lãnh đạo phải quyết tâm với chiến lược của mình, hợp tác với các nhà cung cấp, các đối tác đã có sự chuyển đổi số và sản xuất theo mô hình số hóa sẽ giúp DN phát triển nhanh hơn. Theo đó, ngay từ nguyên liệu đầu vào đã phải chọn các DN từng thực hiện chuyển đổi số khi đó sẽ có sự phù hợp với công nghệ của mình.
Theo ông Quốc, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được phê duyệt, chiến lược đầu tư để phát triển đã có, như vậy ngoài sự nỗ lực và năng động của từng DN, một cơ chế chính sách hỗ trợ để DN chuyển đổi số minh bạch là rất cần thiết cho nhiều DN, nếu sự minh bạch nhường chỗ cho "cơ chế xin cho" thì động lực phát triển sẽ bị triệt tiêu.
Hiện tại Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Theo đó, đến năm 2025, mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm và đưa Việt Nam vào nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo.
Tháng 12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và tối thiểu 100.000 DN được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số. Chiến lược chuyển đổi số ở quy mô quốc gia đã có lộ trình, vấn đề còn lại nằm ở năng lực và nghị lực của từng DN trong việc đầu tư, kết nối và thự thi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận