menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Cường

Doanh nghiệp Nhật lựa chọn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

Tỷ lệ doanh nghiệp có lãi giảm trong năm 2020 do tác động của COVID-19 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình chung của các khu vực được khảo sát.

Kỳ vọng lợi nhuận cải thiện trong năm 2021

Kết quả khảo sát thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp Nhật đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2020 mà Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố phần về Việt Nam cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2020 là 49,6%, giảm 16,2% so với mức 65,8% của khảo sát năm 2019.

Đáng chú ý, có sự khác biệt về tỷ lệ lợi nhuận giữa các loại hình doanh nghiệp bán hàng nội địa và xuất khẩu. Trong đó, tỷ lệ lợi nhuận của doanh nghiệp bán hàng nội địa (doanh nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu dưới 50%) là 47,0% (giảm 17,7% so với khảo sát năm 2019), tỷ lệ lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu (doanh nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu trên 50%) là 53% (giảm 13,5%).

Bên cạnh đó, tỷ lệ các doanh nghiệp “cân bằng ” (mức hòa vốn) là 20,3%. Tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 30,1%, tăng 9,9% so với khảo sát năm 2019.

Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, các con số đó cho thấy, cũng giống như các nước khác, Việt Nam cũng chịu tác động của COVID-19 khiến tỷ lệ lãi bị suy giảm. Tuy nhiên khi so sánh với tương quan chung, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2020 tại Việt Nam vẫn cao hơn mức trung bình chung của các khu vực được khảo sát.

Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2021, tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng sẽ “cải thiện” là 53,9%. Chỉ có 12,6% doanh nghiệp trả lời sẽ “suy giảm” do lo ngại về các tác động tiếp theo của đại dịch trong tương lai. Triển vọng này một phần là vì có tới hơn 86% các doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ được bình thường hóa trong năm 2021 (chỉ có 10% doanh nghiệp trả lời là phải từ năm 2022 trở đi).

Về định hướng phát triển kinh doanh trong vòng 1 đến 2 năm tới tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sẽ “mở rộng” là 46,8%, dù giảm 17,1% so với khảo sát năm 2019 nhưng đối chiếu với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ này cao chỉ sau Pakistan, Ấn Độ và Myanmar.

Những rủi ro được điểm tên

Các lý do chính để các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: “Tăng doanh thu tại thị trường nội địa” (65,9%); “Tăng doanh thu nhờ mở rộng xuất khẩu” (48,7%); “Mức độ tiềm năng và tăng trưởng cao” (44,1%). So sánh với các quốc gia/ khu vực khác thì Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật đặt nhiều kỳ vọng vào “mức độ tiềm năng và tăng trưởng cao” và “tăng doanh thu nhờ mở rộng xuất khẩu”.

Về môi trường đầu tư, các doanh nghiệp cho rằng các lợi thế của Việt Nam là: Tiềm năng thị trường/tiềm năng tăng trưởng (66,3%); tình hình chính trị - xã hội ổn định (65,7%); Chi phí nhân công rẻ (56,5%).

Cùng với nhu cầu mở rộng đầu tư kinh doanh, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang xem xét việc thiết lập lại một số chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 như thay đổi đơn vị thu mua. Về mặt này, Việt Nam bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà cung cấp cũng như nhà thu mua nguyên liệu trên thế giới. Đơn cử tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp cho biết có nhu cầu mở rộng thu mua trong 1 đến 3 năm tới là 198, trong đó có 84.3% doanh nghiệp dự kiến mở rộng thu mua tại chỗ.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ thu mua nguyên liệu tại chỗ ở Việt Nam tăng nhẹ lên mức 37% (tăng 0,7 điểm so với khảo sát năm 2019). Nhìn lại cả giai đoạn vừa qua, tỷ lệ thu mua tại chỗ của Việt Nam đã tăng dần từ năm 2010, nhưng sự tăng trưởng đó còn chậm. Những năm gần đây mặc dù ngang hàng với Malaysia, nhưng so sánh với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… thì vẫn ở mức thấp. “Có những doanh nghiệp muốn mở rộng thu mua tại chỗ, tuy nhiên sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa theo kịp”, ông Takeo Nakajima cho biết.

Riêng trong ngành chế tạo, trong số các doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia châu Á, châu Đại dương được khảo sát, có 420 doanh nghiệp cho biết muốn thay đổi đơn vị thu mua và tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam đứng thứ 4 (4,3%). Và sau khi thay đổi đơn vị thu mua, số doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam đứng ở mức cao nhất (18,8%).

Tuy nhiên về rủi ro, chi phí nhân công tăng (63,7%, tăng 2,6 điểm so với khảo sát năm 2019) cũng được đánh giá là rủi ro lớn nhất. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện/vận hành thiếu minh bạch (48,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá, tăng 6,3%), thủ tục hành chính phức tạp (46,7%, tăng 13,8%), thiếu tuân thủ quy định, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện… cũng là những rủi ro mà các nhà đầu tư quan ngại trong cuộc khảo sát năm 2020.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả